Công nghiệp bán dẫn: Đặt mục tiêu cao để tạo ra trụ cột chiến lược

Chương trình đào tạo nhân lực và chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đặt ra mục tiêu rất cao. Đó là, bán dẫn sẽ trở thành ngành trụ cột phát triển mang lại doanh thu 100 tỉ đô la vào năm 2050 với lực lượng 100.000 kỹ sư.

(KTSG Online) – Chương trình đào tạo nhân lực và chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đặt ra mục tiêu rất cao. Đó là, bán dẫn sẽ trở thành ngành trụ cột phát triển mang lại doanh thu 100 tỉ đô la vào năm 2050 với lực lượng 100.000 kỹ sư.

Trong cuộc gặp Tổng bí thư, Chỉu tịch nước Tô Lâm, các chuyên gia Mỹ đánh giá cao định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc gặp Tổng bí thư, Chỉu tịch nước Tô Lâm, các chuyên gia Mỹ đánh giá cao định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh các sản phẩm bán dẫn thế hệ cũ đã đạt đỉnh điểm, Việt Nam cần có chiến lược, chính sách để phát triển ngành bán dẫn thế hệ mới, đặc biệt là sự hợp tác và tư vấn từ các nước đã đi trước như Mỹ, Hàn Quốc.

Chỉ trong ba tháng gần đây, Việt Nam đã có hàng loạt chuyển động mạnh mẽ cho chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Trong đó, một loạt hoạt động từ các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã diễn ra cùng lúc ở trong và ngoài nước. Cùng thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hôm 21-9.

Lắng nghe tư vấn, gặp gỡ đa phương

Sáng 23-9 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (Đại hội đồng Liên Hợp Quốc) và làm việc tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt – Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Hoa Kỳ như AMD, Google, Marvell, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)…

Trao đổi tại tọa đàm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam. Việt Nam cũng hy vọng các nhà đầu tư Mỹ sẽ nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; phát triển ngành chip, bán dẫn, AI, internet vạn vật (IoT).

Trong khuôn khổ chuyến đi này, chiều 23-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực AI, bán dẫn và xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam giữa tập đoàn Sovico của Việt Nam và tập đoàn SuperMicro của Mỹ.

Cùng thời điểm này, chiều 22-9, nhân dịp dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. Chủ đề chính của buổi gặp này cũng tập trung vào đẩy mạnh hợp tác về công nghệ điện tử, bán dẫn, bao gồm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển công nghiệp phụ trợ, cung ứng linh kiện cho Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, tại cuộc hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên cùng hợp tác khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn, hydrogen và AI. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng khẳng định, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam phục vụ phát triển ngành bán dẫn, công nghệ cao.

Cũng trong chuyến đi này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tọa đàm, ăn trưa với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và AI. Ông bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình để giúp ngành bán dẫn và AI Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

Hai chiến lược quan trọng để phát triển ngành bán dẫn

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) từ năm 2021. Ngày 21-9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là ba chiến lược quan trọng, mang tính tổng thể làm nền tảng cho việc phát triển công nghệ bán dẫn thế hệ mới tích hợp AI và IoT, góp phần tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho Việt Nam.

Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, đặt mục tiêu doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt 25 tỉ đô la/năm vào năm 2030 và từ năm 2050 là 100 tỉ đô la/năm. Chiến lược đề ra công thức C = SET + 1 để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức C = SET + 1

Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức C = SET + 1

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng ký ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Theo quyết định trên, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đến năm 2040, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, số lượng nhân lực có trình độ từ đại học trở lên là 100.000 người. Bên cạnh đó, chương trình cũng đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Ba chiến lược đồng bộ về trí tuệ nhân tạo, đào tạo nhân lực và mục tiêu phát triển ngành bán dẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và trường đại học Việt Nam tham gia cuộc chơi mới và đầy tiềm năng này. Hàng trăm doanh nghiệp bán dẫn mới đi vào hoạt động sẽ kéo theo nhu cầu rất lớn, cần sự tham gia từ chuỗi cung ứng nhân lực, đào tạo và tái đào tạo nhân lực đến cung ứng linh kiện, sản phẩm phụ trợ.

Không chỉ có các sản phẩm, dịch vụ cao cấp mới tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn, điện tử mà hàng loạt dịch vụ phổ thông khác cũng có nhiều cơ hội kinh doanh được mở ra như xe vận chuyển người, hàng hóa, suất ăn công nghiệp, kho bãi.

Lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

(theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg)

Giai đoạn 1 (2024 – 2030)

Giai đoạn 2 (2030 – 2040)

Giai đoạn 3 (2040 – 2050)

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cong-nghiep-ban-dan-dat-muc-tieu-cao-de-tao-ra-tru-cot-chien-luoc/