Công nghiệp bản quyền thúc đẩy sáng tạo

Trong bối cảnh công nghệ số, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được coi trọng. Đây là nền tảng khuyến khích đầu tư, thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Xâm phạm bản quyền tràn lan trên môi trường số

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã tác động và tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực văn hóa, việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ là một nền tảng quan trọng tạo ra động lực, mang lại những biến đổi quan trọng trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và tạo ra những giá trị, lợi nhuận đối với các sản phẩm được tạo ra từ các ngành công nghiệp văn hóa.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhu cầu giải trí của con người rất đa dạng và có thể tùy nghi, thích ứng theo từng môi trường, thời điểm, hoàn cảnh. Điều này càng được thể hiện rõ qua những biến động chung của toàn thế giới thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhìn chung các hình thức giải trí, hưởng thụ văn hóa có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ cách thức truyền thống sang trực tuyến, hay nói cách khác là xu hướng giải trí số (như game online, xem phim, nghe nhạc online, đọc truyện sách báo online, livestream…). Riêng ở lĩnh vực âm nhạc, xu hướng khai thác bản quyền âm nhạc của Việt Nam và dự báo thị trường âm nhạc trong tương lai cũng chính là âm nhạc trực tuyến (streaming).

Âm nhạc trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Thủ đô Multimedia

Âm nhạc trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Thủ đô Multimedia

Trong khi đó, vấn nạn vi phạm bản quyền đang phổ biến ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, sách, hội họa... Chẳng hạn, với tiến bộ của khoa học - công nghệ, việc truyền tải một tác phẩm âm nhạc đến với công chúng không chỉ giới hạn ở cách phát hành truyền thống như băng đĩa vật lý, mà có thể bằng phương tiện khác như mã hóa, số hóa để lưu trữ, phát hành trên những phương tiện trực tuyến. Song quyền tác giả trên môi trường internet ngày càng dễ dàng bị xâm phạm vì tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho phép có những ứng dụng, những tiện ích để thực hiện những trao đổi, sao chép, tải về máy cá nhân các nội dung được bảo hộ.

Bên cạnh đó, hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến, ứng dụng nghe nhạc xuất hiện và cho phép đăng tải rất nhiều ca khúc, kể cả những sản phẩm vừa được phát hành của các nghệ sĩ. Trong khi các đơn vị đăng tải nhạc thu lợi khá nhiều tiền quảng cáo, từ chia sẻ doanh thu bởi đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thì các tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ lại gần như không thu được gì…

Các nền tảng pháp lý, chính sách pháp luật về bản quyền từng bước được xây dựng và hoàn thiện và tiệm cận các quy định của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra khá phổ biến, khả năng phát hiện hành vi vi phạm, xử lý vi phạm còn có nhiều vấn đề.

Nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” (SIPE) cho rằng, cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ cho chủ thể làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo tại trung ương và địa phương; chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu các sản phẩm văn hóa sáng tạo và cộng đồng – những chủ thể hưởng thụ.

Bên cạnh đó, xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước - tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - chủ sở hữu sản phẩm văn hóa, sáng tạo và cộng đồng, tạo ra tính liên kết để trở thành một hệ sinh thái chung phục vụ cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Cần có sự tham gia của nhiều bên, thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ bản quyền. Ảnh: lsvn.vn

Đồng thời, đề cao vai trò của các hiệp hội, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Các hiệp hội, tổ chức phi lợi nhuận trong các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo cần phát huy vai trò trong bảo vệ tài sản trí tuệ của các thành viên hiệp hội. Đây được xem là một trong những giải pháp hướng đến khẳng định vai trò của khu vực tư trong tổ chức thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Qua nghiên cứu khảo sát một số tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có các chính sách ưu đãi, giảm thuế hoặc thủ tục hành chính, cùng các khoản hỗ trợ dành riêng cho khu vực tư nhân, các hiệp hội trong bảo vệ tài sản trí tuệ cho các thành viên của họ.

Tương lai của công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số chính là công nghiệp bản quyền (kinh doanh dựa trên quyền sở hữu trí tuệ) cùng với đó là xu hướng toàn cầu hóa với sự giao lưu, hợp tác giữa các nền văn hóa, xuất khẩu sản phẩm văn hóa, sáng tạo… Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, hợp tác quốc tế vừa được xem là một giải pháp đồng thời cũng là những định hướng trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Các hợp tác cần được triển khai với những quốc gia trong khu vực như Philippine, Malaysia, Thái Lan, Singapore… theo từng ngành, lĩnh vực, tạo tính liên kết hình thành hệ sinh thái, thúc đẩy thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.

Đồng thời, thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cần được ứng dụng triệt để trong tổ chức thực thi quyền sở hữu trí tuệ lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, NFT... để giúp giải quyết các vấn đề truyền dẫn hiện tại trong đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp công nghệ để tự bảo vệ và phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là “hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP… Để đạt được điều đó, vai trò của sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo nói riêng giữ vai trò cực kỳ quan trọng.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/cong-nghiep-ban-quyen-thuc-day-sang-tao-i333764/