Công nghiệp chế biến, chế tạo: Cải thiện năng lực cạnh tranh
Trong mức tăng 6,5% của ngành công nghiệp quý I/2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% - cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự cải thiện rõ rệt về năng suất và khả năng cạnh tranh, được coi là động lực phát triển của nền kinh tế.
Trụ cột tăng trưởng kinh tế
Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dù có mức tăng cao, song công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa thể đạt được mức tăng 14,30% của quý I/2018 và 11,52% quý I/2019. Nhìn nhận về kết quả này, bà Trịnh Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - chỉ ra, năm nay, nhiều nước có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thế giới nhưng đều gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là điểm sáng, khi nền kinh tế tăng trưởng dương dựa trên trụ cột về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt với các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao. Theo đó, có nhiều nhóm ngành phát triển rất nhanh, như điện tử, dệt may, da giày...
Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) - cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng nhanh và đóng góp tích cực cho nền kinh tế thời gian qua có 4 nguyên nhân. Thứ nhất, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương nỗ lực quyết liệt chỉ đạo điều hành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm thiểu thiệt hại, tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển. Thứ hai, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, được đánh giá là một trong những địa điểm hấp dẫn, an toàn, hiệu quả đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nhất, chiếm đến 89%. Thứ ba, Việt Nam là một trong những nước đi đầu tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thứ tư, sản phẩm xuất khẩu trong các ngành chế biến, chế tạo diễn ra ở khu vực FDI quý I tăng trưởng cao.
Hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng cao
Hiên, Bộ Công Thương đang tập trung vào một số giải pháp lớn nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh để đưa nền công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, phối hợp với các Bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, cơ hội phát triển như công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững hơn, tránh phụ thuộc vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ rốt ráo hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ. Đặc biệt, tăng cường liên kết giữa các địa phương; hình thành những cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của địa phương và phát triển nguồn nhân lực.
Song song với đó, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị phụ trách thị trường khu vực và thương vụ tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối và đẩy mạnh chuỗi sản xuất toàn cầu, khai thác tốt các FTA...
Bộ Công Thương chủ động định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, năng lượng, hóa chất, thép, thiết bị điện và một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…