Công nghiệp điện, điện tử giữ vị trí then chốt trong sản xuất công nghiệp
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh đều bị ảnh hưởng, nhiều sản phẩm không đạt mục tiêu về doanh thu, sản lượng đề ra. Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong năm qua, ngành điện, điện tử vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử chiếm trên 56,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Công nghiệp điện, điện tử là một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian qua và đạt nhiều kết quả nổi bật với số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư ngày càng tăng. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc với các mặt hàng chủ yếu là dây dẫn điện ô tô, xe máy, lắp ráp xe máy, chìa khóa xe máy, điện tử, máy tính, các loại linh kiện điện thoại, điện gia dụng, hệ thống bán dẫn, đèn Led…
Những năm gần đây, thị trường ô tô, xe máy, các mặt hàng công nghệ phát triển mạnh, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ các mặt hàng điện, điện tử, đặc biệt là các loại linh kiện điện thoại, dây dẫn điện ô tô, xe máy. Theo đó, tại các KCN trong tỉnh, các doanh nghiệp sản phẩm điện tử, thiết bị điện có sự phát triển mạnh mẽ, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điển hình là Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC Việt Nam, Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam, Công ty TNHH NMS Việt Nam… Năm 2023, các doanh nghiệp này đều có mức tăng trưởng khá với mức tăng từ 10-30% so với năm 2022.
Sản xuất thiết bị ngoại vi máy tính tại Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam, KCN Đồng Văn III, Duy Tiên. Ảnh: Hân Hân
Đơn cử như Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động tại KCN Đồng Văn III (Duy Tiên) năm 2020, từ chỗ chỉ có khoảng 200 lao động, đến nay, công ty đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.500 lao động. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công các thiết bị tản nhiệt máy tính, các loại quạt máy tính, khung, vỏ máy tính, AVC Việt Nam có sự phát triển lớn mạnh qua từng năm, với thị trường tiêu thụ được mở rộng sang hầu khắp các nước châu Âu. Trong thời gian tới, khi giai đoạn 2 của nhà máy đi vào hoạt động ổn định, AVC Việt Nam cần thêm trên 1.000 lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Ông Vũ Duy Quyết, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC Việt Nam cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành chức năng, AVC Việt Nam đã tuyển dụng đủ lao động để đáp ứng tiến độ đơn hàng trong từng giai đoạn phát triển. Năm 2023, mặc dù thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của công ty vẫn có sự tăng trưởng, đạt xấp xỉ 92,4 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với năm 2022. Từ nay đến hết năm 2024, AVC Việt Nam sẽ cần lực lượng lớn lao động phục vụ cho nhà máy mới, nâng tổng số lao động lên khoảng 6.000 người. Do vậy, AVC Việt Nam rất mong muốn sẽ được UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh quan tâm, giới thiệu tuyển dụng lao động để AVC Việt Nam đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới.
Cùng với các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, trong năm 2023, các KCN của tỉnh còn thu hút được nhiều dự án mới có quy mô lớn thuộc lĩnh vực điện, điện tử như: Dự án sản xuất tế bào quang điện của nhà đầu tư Elite Solar (Singapore) với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án sản xuất, gia công bảng mạch in sử dụng trong việc kết nối các linh kiện điện tử của nhà đầu tư Taiwan Surface Mounting Technology Corp (Đài Loan, Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị mạng, bộ cấp nguồn của thiết bị truyền thông, bộ cấp nguồn của máy tính và các thiết bị điện tử khác của nhà đầu tư Senao Networks (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD; dự án sản xuất, gia công các sản phẩm linh phụ kiện từ kim loại, lắp ráp các thiết bị như bếp điện, bếp từ, nồi chiên, quạt điện, bình nước nóng, lắp ráp các thiết bị quạt công nghiệp, quạt thông gió, quạt điều hòa, quạt hơi nước của Công ty TNHH Rapido Asia (nhà đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư 235 tỷ đồng; dự án sản xuất, gia công, chế tạo và phát triển các sản phẩm từ kim loại cho các thiết bị điện, điện tử của Công ty TNHH Great Resources Asia (nhà đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh Hà Nam cũng tiếp đón nhiều đoàn doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đến tìm hiểu môi trường đầu tư và có kế hoạch đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực điện, điện tử.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong nhiều năm qua, điện, điện tử luôn thuộc nhóm những sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao. Riêng năm 2023, trong số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng trưởng dương so với năm 2022 thì sản phẩm linh kiện, thiết bị điện tử và dây điện các loại có mức tăng cao nhất, lần lượt là 28,2% và 18,3%. Còn theo Chi cục Hải quan Hà Nam, năm 2023, các mặt hàng điện tử có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng trên 91% so với năm 2022 và chiếm hơn trên 56,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Con số này cho thấy, ngành công nghiệp điện tử đã và đang là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu.
Trao đổi về nội dung này, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Công nghiệp điện tử đạt kết quả ấn tượng là do trong những năm qua, tỉnh đã làm rất tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vào đầu tư tại tỉnh. Trong đợt bùng phát dịch Covid -19, ngành điện tử cũng đã phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và sau đó tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tổng cầu thế giới suy giảm, lạm phát và suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, điện tử là lĩnh vực công nghiệp tiên tiến với sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao nên vẫn có những lợi thế nhất định so với những lĩnh vực khác. Do đó, giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng điện, điện tử vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 213.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm 30% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, nhất là thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu.
Để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện, điện tử nói riêng yên tâm khi vào đầu tư tại tỉnh, tỉnh Hà Nam cũng đã rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, mở rộng các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics; xây dựng đồng bộ hạ tầng các KCN, bảo đảm tiến độ, chất lượng phục vụ thu hút đầu tư; củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN. Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về nguồn vốn, thủ tục thuế, hải quan, hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động, tạo thuận lợi về mặt bằng để doanh nghiệp mở rộng nhà máy, nâng cao công suất hoạt động…