Công nghiệp Halal không chỉ dừng lại ở chứng nhận Halal
Chia sẻ với TG&VN, ông Addy Perdana Soemantry, Trưởng Bộ phận thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam (người đang trực tiếp thúc đẩy hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam trong lĩnh vực Halal) đã chia sẻ về những điểm đặc biệt của ngành mà Việt Nam cần lưu ý khi muốn đi sâu khai phá thị trường này.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của ngành Halal Việt Nam?
Thị trường Halal toàn cầu dự kiến sẽ đạt 15 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Việt Nam có nền tảng vững chắc cũng như tiềm năng lớn để khai thác thị trường này.
Nhiều doanh nghiệp tin rằng, chứng nhận Halal là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường thâm nhập vào thị trường Halal. Tuy nhiên, quan điểm này chưa đầy đủ, ngành công nghiệp Halal không chỉ dừng lại ở chứng nhận Halal.
Đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới, Halal không chỉ là một ngành công nghiệp, mà còn là một lối sống. Một sản phẩm được công bố là Halal phải tuân thủ các hướng dẫn của Halal trong mọi khâu sản xuất. Hơn nữa, sản phẩm cũng phải cân nhắc đến các yếu tố như chất lượng, tính bền vững, tác động đến môi trường, vệ sinh và tác động đến sức khỏe.
Halal cũng được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ thực phẩm và đồ uống, mà còn cả thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, truyền thông - giải trí và dịch vụ tài chính.
Với ngành sản xuất vững mạnh, cam kết mạnh mẽ và mong muốn phát triển về ngành Halal, triển vọng của Việt Nam rất tươi sáng.
Xin ông chia sẻ tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia trong ngành Halal? Kinh nghiệm của Indonesia về ngành Halal và kế hoạch của Đại sứ quán nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này?
Là một trong những quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia đã tạo dựng được ngành công nghiệp và thị trường Halal. Các sản phẩm được bán trên thị trường đã được khẳng định và dán nhãn theo đánh giá của các cơ quan Halal.
Hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam có thể bắt đầu từ việc chia sẻ chuyên môn và bí quyết. Indonesia có kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm Halal và đưa các quy định Hồi giáo vào ngành công nghiệp. Do đó, có tiềm năng to lớn để cả hai nước hợp tác và bổ sung cho nhau.
Tại Đại sứ quán Indonesia, nhiệm vụ chính của chúng tôi là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong ngành Halal, cần phải nhắc lại rằng hợp tác không chỉ tập trung vào các khía cạnh kinh tế mà còn vào nhiều khía cạnh khác, bao gồm vấn đề xã hội và văn hóa.
Đại sứ quán Indonesia đã hỗ trợ nhiều hoạt động của cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, từ các cộng đồng ở Hà Nội cho đến tận Cộng đồng Hồi giáo Việt Nam tại tỉnh An Giang. Chúng tôi tin, những nỗ lực của chúng tôi sẽ tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam và Indonesia. Và ngược lại, chúng tôi hy vọng điều này sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong phát triển các ngành công nghiệp Halal.
Riêng về ngành Halal, chúng tôi cũng liên tục thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác sản xuất sản phẩm Halal và các nhà hoạch định chính sách hợp tác trong việc thiết lập các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước.
Xin ông chia sẻ lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu theo các tiêu chuẩn của Halal?
Các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rằng Halal không chỉ là một ngành công nghiệp, mà là một lối sống của người Hồi giáo. Để phát triển Halal, hiểu biết sâu sắc về lối sống Halal là điều quan trọng.
Chúng tôi có một số đề xuất, không chỉ dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cho chính phủ, các tổ chức giáo dục và các bên liên quan khác tại Việt Nam để thực hiện những bước đầu tiên trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal.
Trước tiên, Việt Nam phải tận dụng cộng đồng Hồi giáo và đảm bảo vai trò tích cực của họ trong sự phát triển của ngành công nghiệp Halal. Những cộng đồng này có kiến thức để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Halal, không chỉ với tư cách là cố vấn mà còn là những người hành động.
Vì người Hồi giáo trên khắp thế giới có chung quan điểm và sự hiểu biết, nên những cộng đồng này có thể kết nối Việt Nam với các quốc gia khác có nhiều kinh nghiệm hơn về lối sống Halal. Điều này có thể bao gồm đào tạo, trao đổi sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp Hồi giáo và thậm chí là nghiên cứu chung.
Ví dụ, các trường đại học có thể cử sinh viên đến các trường đại học Indonesia để tiến hành nghiên cứu về ngành công nghiệp Halal. Tóm lại, hãy tăng cường hợp tác với các chuyên gia và đối tác từ khắp nơi trên thế giới để tạo ra sự hiểu biết vững chắc về Halal.
Thứ hai, Việt Nam cũng cần phát triển các cơ quan Halal do chính phủ thành lập, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác, thử nghiệm và đánh giá sản phẩm, cũng như xây dựng quy trình cho các chứng chỉ Halal.
Với những trụ cột như vậy, Việt Nam không chỉ có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia Hồi giáo để tiêu thụ quốc tế mà còn có thể cung cấp các sản phẩm Halal cho tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ kéo theo nhiều du khách nước ngoài theo đạo Hồi đến Việt Nam hơn, bao gồm cả du khách từ Indonesia.
Với thị trường Halal Indonesia, cơ hội cho Việt Nam cũng như những điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là gì, thưa ông?
Là một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, Indonesia đã có một ngành công nghiệp Halal phát triển mạnh mẽ và ổn định. Theo nghĩa này, hai quốc gia không nên cạnh tranh để tạo ra các sản phẩm Halal của riêng mình. Thay vào đó, Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác, phát triển liên doanh hoặc thúc đẩy đầu tư để cùng sản xuất các sản phẩm Halal.
Với kinh nghiệm và chuyên môn của Indonesia trong ngành công nghiệp Halal, hai quốc gia có thể bổ sung cho nhau theo thế mạnh của mình và thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng Halal trong khu vực.
Nhờ đó, người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm Halal hơn, bao gồm cả sản phẩm do Việt Nam sản xuất.
Trân trọng cảm ơn ông!