Công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao dẫn dắt hút FDI đổ về Đồng Nai
Nhờ có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, Đồng Nai đang trở thành là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao dẫn dắt hút FDI đổ về Đồng Nai. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Đáng chú ý, Đồng Nai đã thu hút được một lượng lớn vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
* Liên tục nằm trong Top đầu
Đồng Nai liên tục nằm trong Top các tỉnh, thành phố có số vốn FDI cao nhất cả nước. Tạm tính từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 7, Đồng Nai thu hút đầu tư FDI đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024. Tỉnh đã thu hút nhiều dự án FDI cấp mới và các dự án tăng vốn; trong đó, nhiều dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 2.200 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đầu tư trên 41 tỷ USD, đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Theo đánh giá của Sở Tài chính Đồng Nai, các dự án thu hút mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động, đảm bảo tiêu chí về công nghệ và đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực. Đồng Nai là một số địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư. Cả số lượng dự án đầu tư mới, số lượt điều chỉnh vốn và giao dịch vốn góp, mua cổ phần đều tăng, phản ánh rõ nét niềm tin ngày càng được củng cố của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Đồng Nai. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Đồng Nai là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Quản trị- Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng ( Đồng Nai) cho hay: Sau khi hợp nhất với Bình Phước, tiềm năng thu hút FDI của Đồng Nai sẽ được mở rộng rất nhiều nhờ quỹ đất lớn hơn, vị trí chiến lược kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ. Cộng hưởng với đà tăng đầu tư công quyết liệt trong năm 2025, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Quốc tế Long Thành hay hệ thống cảng nước sâu, địa phương có cơ sở để kỳ vọng dòng vốn FDI vào tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích trên 12,7 nghìn km², dân số hơn 4,4 triệu người. Số lượng khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai mới tăng lên đáng kể, mở ra nhiều cơ hội để Đồng Nai thu hút các dự án FDI đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, với địa giới hành chính mới, tỉnh Đồng Nai mới thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nút giao thông huyết mạch Bắc - Nam, tỉnh có Cửa khẩu Hoa Lư dài gần 260km đường biên giới giáp với Campuchia và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động, tỉnh Đồng Nai mới hứa hẹn sẽ tiếp tục là khu vực phát triển kinh tế năng động trong tương lai.
* Cực trung tâm thu hút đầu tư mới
Sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới nằm trong Top 5 địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sớm trở thành cực thu hút đầu tư nước ngoài mới ở phía Nam và cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Quản trị- Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), việc hợp nhất Bình Phước vào Đồng Nai không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính mà còn có thể được xem là một cải cách thể chế mang tính chiến lược, nếu được thực thi một cách đồng bộ và hiệu quả.

tỉnh Đồng Nai mới nằm trong Top 5 địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Trên thực tế, việc hợp nhất giúp hình thành được một đơn vị hành chính – kinh tế có quy mô lớn hơn cả về diện tích, dân số, lẫn tiềm lực cho phát triển. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng quy hoạch tổng thể vùng hợp lý hơn, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, đất đai, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Đặc biệt, nếu đi kèm với cải cách thể chế như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, ứng dụng chính quyền số và minh bạch hóa môi trường kinh doanh đây sẽ là nền tảng vững chắc để năng cao năng lực cạnh tranh cấp địa phương của tỉnh Đồng Nai.
Với lợi thế mở rộng không gian phát triển và cải thiện hành lang pháp lý, tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có cơ sở để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đồng thời triển khai đầu tư công hiệu quả hơn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn vươn mình để bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
Sau khi hợp nhất với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới bước vào giai đoạn phát triển với quy mô lớn hơn và tầm nhìn dài hạn. Không gian địa lý được mở rộng, nguồn lực đất đai và công nghiệp được hợp nhất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư FDI, nhất là các dự án quy mô lớn cần hạ tầng đồng bộ và quỹ đất tập trung. Việc hình thành một đơn vị hành chính – kinh tế thống nhất cũng giúp xóa bỏ tình trạng phân mảnh trước đây, nâng cao năng lực điều phối và quy hoạch phát triển toàn diện. Ông Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ( TP.Hồ Chí Minh) nhận xét.
Điểm nhấn chiến lược của Đồng Nai mới chính là trục phát triển công nghiệp – đô thị – logistics kéo dài từ khu vực Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom (Đồng Nai) lên Tân Phú, Phú Riềng, Đồng Xoài (Bình Phước). Đây là hành lang kinh tế mới được định hướng phát triển dựa trên lợi thế kết nối của các tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Liên Khương, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 13, quốc lộ 14, và trục ven sông Bé. Trục này không chỉ kết nối các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất công nghiệp lớn tại Bình Phước, mà còn hình thành các chuỗi đô thị – công nghiệp vệ tinh, tạo thành một hành lang tăng trưởng liên hoàn từ cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh đến Tây Nguyên.
Cũng theo ông Huỳnh Thanh Điền, việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm nay, đặc biệt là các dự án giao thông và khu công nghiệp mới dọc theo trục phát triển này, sẽ đóng vai trò là “lực kéo” quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng và gia tăng sức hấp dẫn đầu tư. Khi đầu tư công (lực kéo) và FDI (lực đẩy) cùng hội tụ trong một không gian phát triển thống nhất, được tổ chức hợp lý theo trục Bắc – Nam nội tỉnh, Đồng Nai mới sẽ có cơ hội hình thành cực tăng trưởng công nghiệp chiến lược, kết nối hiệu quả với vùng Đông Nam Bộ ở phía Nam và Tây Nguyên ở phía Bắc.
Việc Đồng Nai mới tăng cường đầu tư công sau hợp nhất không chỉ nhằm phát triển hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, mà còn tạo dựng “niềm tin thể chế” và định hình lại động lực phát triển. Tại tỉnh Đồng Nai mới, đầu tư công tập trung vào các hạ tầng nền như giao thông liên vùng, khu công nghiệp – đô thị – logistics, năng lượng và chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng lực tiếp nhận đầu tư.
Đối với nhà đầu tư quốc tế, hạ tầng đồng bộ và cam kết từ chính quyền là yếu tố then chốt. Khi địa phương thể hiện quyết tâm qua các dự án trọng điểm kết nối vùng, đặc biệt với khu kinh tế Đông Nam Bộ, khả năng thu hút FDI chất lượng cao sẽ tăng lên rõ rệt.
Việc hợp nhất tỉnh Bình Phước vào Đồng Nai cần được nhìn nhận như một nỗ lực cải cách thể chế quy mô lớn nhằm mở rộng không gian phát triển và tinh gọn bộ máy quản lý. Khái niệm “thể chế” trong bối cảnh này không chỉ giới hạn ở hệ thống luật lệ mà bao gồm cả năng lực tổ chức, khả năng phối hợp liên ngành, liên vùng, cùng sự minh bạch và hiệu quả trong quy hoạch, điều hành và thực thi chính sách.
“Trong mô hình tỉnh mới, nếu chính quyền Đồng Nai chủ động tận dụng thời cơ để tái thiết toàn diện hệ sinh thái đầu tư, từ việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch công nghiệp, đơn giản hóa quy trình cấp phép, hoàn thiện hành lang pháp lý cho đến thiết kế lại các chính sách ưu đãi có trọng tâm, thì cuộc sáp nhập này có thể trở thành một cú huých cải cách thể chế thực chất.
Khi đó, không chỉ thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, mà còn giúp hệ thống đầu tư công hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch, đồng bộ và gắn với định hướng phát triển dài hạn. Đây cũng là cơ sở để hình thành một hình mẫu mới cho phát triển vùng; trong đó, thể chế đổi mới trở thành động lực trung tâm”, ông Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh../.