Công nghiệp hỗ trợ Việt 'gõ cửa' chuỗi giá trị toàn cầu

Khảo sát của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp FDI ngày càng bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào tại nước xuất xứ. Tuy nhiên, để họ chọn doanh nghiệp Việt Nam thì chắc chắn ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm, từ đó mới nâng cao thị phần, hưởng lợi từ làn sóng FDI dịch chuyển đang diễn ra.

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với các hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và quản lý, có thể mang lại lợi ích cho các DN tư nhân trong nước, khi khu vực tư nhân Việt Nam ngày càng tích cực hướng đến gia nhập các chuỗi cung toàn cầu. Các DN Việt Nam cần trở thành nhà cung cấp đầu vào cho các DN FDI để tận dụng tốt nhất cơ hội này.

FDI bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập

Song VCCI cho rằng, việc này vẫn tiến triển khá chậm. Năm 2020, chỉ khoảng 8% DN FDI tham gia điều tra cho biết đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp là DN nhà nước. Con số này cao hơn với nhóm cá nhân/hộ kinh doanh (14,8%) và nhóm DN tư nhân (62,5%).

Tỷ lệ DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các DN tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020.

Tỷ lệ DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các DN tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020.

Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan đã bắt đầu xuất hiện. Kể từ khi đạt mức đỉnh năm 2016, các DN FDI ngày càng bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào tại nước xuất xứ. Tỷ lệ DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các DN tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020. Cùng với đó, DN FDI cũng giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 26,8% DN FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2020, so với 39% năm 2016.

"Các số liệu này cho thấy, các DN FDI đang chuyển hướng, về chiều sâu chứ không phải về chiều rộng, sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam. Nói cách khác, tỷ lệ DN FDI sử dụng nhà cung cấp Việt Nam không tăng, song dường như mức độ hài lòng của những DN FDI - vốn có nguồn cung ứng đa dạng, đối với các nhà cung cấp Việt Nam đã đủ để họ ngừng sử dụng hoặc giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài", báo cáo của VCCI nhận định.

Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam được xem là địa điểm thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Canon, Intel, Foxconn... Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy vậy, chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều gian nan đối với chính các DN Việt.

Ví dụ với ngành điện tử, theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa của ngành này mới chỉ đạt 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các DN CNHT ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do năng lực các DN nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các DN FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt”, Cục Công nghiệp nêu cụ thể.

Là một DN CNHT, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay, quy mô đang là bất lợi với chính DN Việt Nam. Một nhà máy của Trung Quốc có thể cung ứng được khoảng 1 triệu linh kiện/tháng, trong khi ở Việt Nam trung bình chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 linh kiện.

"Vì vậy, khách hàng nhìn vào nhà máy của DN ở Trung Quốc là đã muốn hợp tác, còn với mình thì họ luôn đặt dấu hỏi kiểu như "trường hợp này có thể hay không?". Nếu không được, chúng tôi cũng đành phải trả lời là không, bởi cứ cố nhận đơn hàng thì sẽ bị phạt", ông Tứ thành thật chia sẻ.

Nâng quy mô, chất lượng sản phẩm

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu vấn đề, trước đây chúng ta có ngành công nghiệp cơ khí nhưng vì sao không phát triển được công nghiệp đường sắt. "Tại sao chúng ta lại phải nhập khẩu đoàn tàu từ Trung Quốc, Nhật Bản về rồi phụ thuộc nguyên vật liệu của họ từ A đến Z. Tại sao chúng ta không thu hút được chính những DN nước ngoài sản xuất ra đoàn tàu trên bởi chỉ cần 1 DN, Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ từ họ, phát triển thị trường của cả một ngành đường sắt. Đây là cơ hội cho các DN ngành cơ khí chứ đâu", ông Cường nói.

Trước thực tế này, Cục Công nghiệp cho biết, đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các DN FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa. Đồng thời, bản thân các DN trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI.

Đơn cử như Samsung Việt Nam, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho công ty này đã tăng đáng kể từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Panasonic Việt Nam hiện cũng có 4 DN Việt Nam cung ứng sản phẩm và giá trị cung ứng mới chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của Panasonic. Canon Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Để có thể tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ Công Thương khuyến nghị các các DN ngành điện tử, CNHT cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các DN đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với DN điện tử EU.

Đại diện Samsung, ông Nguyễn Anh Tuấn từng nêu ra hàng loạt các yêu cầu đối với nhà cung ứng cho tập đoàn này. Đó không chỉ là chất lượng sản phẩm, mà còn liên quan tới quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, quản lý rủi ro tín dụng.

Việc đẩy mạnh R&D - được xem là tiêu chí để lựa chọn nhà cung ứng của Samsung. "Cùng một con ốc, năm nay, DN bán 1 đồng, sang năm sau con ốc đó chỉ nên bán 0,8 đồng hoặc thấp hơn. Hoặc bán con ốc với chất lượng tốt hơn nhưng bằng giá. Đó là yêu cầu và nếu như không có R&D thì không bao giờ làm được việc đó", ông Tuấn nói.

Hay về tuân thủ pháp luật, Samsung quan tâm tới việc DN Việt có chậm trả lương cho người lao động 3-6 tháng không, bởi nếu điều này xảy ra, nguy cơ người lao động có thể đình công sẽ làm gián đoạn nguồn cung ứng của Samsung và hãng buộc phải tìm giải pháp khác...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nhiều khi chính bản thân DN CNHT Việt Nam lại ít chú tâm tới những tiêu chuẩn trên và chấp nhận làm đến đâu hay đến đó, miễn là có đơn hàng để hoạt động qua ngày.

Ông Trương Thanh Hoài

Cục trưởng Cục Công nghiệp

Các DN điện tử nói riêng và các DN CNHT Việt Nam nói chung cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Mỗi DN tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó giúp cho DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Hoàng

Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM

Trong phát triển CNHT, nếu Chính phủ có quy hoạch rõ ràng, từng địa phương sẽ thu hút những ngành nghề nào để không trùng lặp, sau đó kết nối các DN CNHT với các DN khác để bán sản phẩm đầu vào cho nhau sẽ giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu. Điều này sẽ giúp các DN CNHT trong nước dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Hiệp hội DN điện tử Việt Nam

Các DN CNHT nội địa trong ngành điện tử phải đáp ứng được tối thiểu 3 điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có như vậy, chúng ta mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cong-nghiep-ho-tro-viet-go-cua-chuoi-gia-tri-toan-cau-1077913.html