Công nghiệp hóa sản xuất giống cây trồng, vật nuôi
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đây là định hướng, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại; cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng...
Mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao DT18 tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu
Thực tế thời gian qua cho thấy, khoa học công nghệ về giống cũng như thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam còn hạn chế... Trong đó, sản xuất giống lúa trên cả nước mới đáp ứng được 80% nhu cầu, ngô 40%, rau quả 20%, còn lại là nhập khẩu. Chỉ tính riêng giống cây trồng, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chi 500-700 triệu USD để nhập khẩu, trong đó có tới 80% giống rau, giống hoa. Đối với giống vật nuôi (lợn và gia cầm), mỗi năm Việt Nam chi 126-130 tỷ USD để nhập khẩu.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho hay, hiện nay 90% giống cây trồng hợp tác xã đang sử dụng phải nhập khẩu. Lý do, giống cây trồng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi đơn vị không đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính để tự sản xuất giống.
Nói về giống vật nuôi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc quản lý, nuôi giữ đàn giống gốc, nhất là các loại giống vật nuôi bản địa cũng như hoàn thiện hệ thống giống, chưa đạt yêu cầu đề ra, nên ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất giống.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Việt, nguyên nhân khiến việc sản xuất giống chưa đáp ứng yêu cầu là do một số tập thể, cá nhân đã nhập công nghệ sản xuất giống, cho ra đời một số bộ giống tốt, song việc mua bản quyền giống mới diễn ra khá chậm. Mặt khác, việc đào tạo, tập huấn, kiểm soát chất lượng giống ở cả trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới giống sản xuất trong nước luôn "thua" giống nhập khẩu cả về chất lượng và giá cả....
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ chia sẻ, do còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công nghệ nên các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu nhập khẩu giống cây trồng về đóng gói hoặc sản xuất gia công hạt giống để kinh doanh, chưa chú trọng nghiên cứu, lai tạo giống mới.
Chọn tạo, sản xuất giống phù hợp với thị trường
Để sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Theo quyết định này, mục tiêu đến năm 2030 mở rộng lưu giữ khoảng 45-52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống; bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1; tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc đạt 95%; bảo đảm cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn đạt 95%, gia cầm đạt 85-90%...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước mắt các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần sớm đánh giá để khai thác nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống. Trong đó chú trọng đến các giống bản địa mang tính đặc sản, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh tốt, tiến tới xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh...
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Việt, để thực hiện được mục tiêu chương trình đề ra, Nhà nước cần đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ở cả trung ương và địa phương. Từ đó, từng bước công nghiệp hóa việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...
Về phía địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với tăng cường năng lực cho các trạm giống cây trồng, vật nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ xây dựng Trung tâm Giống cây trồng công nghệ cao nhằm bảo tồn một số cây trồng có giá trị kinh tế và sản xuất giống gốc, giống đầu dòng cây ăn quả; phấn đấu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 100.000 cây giống đạt tiêu chuẩn.
Với góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình Trần Mạnh Báo đề nghị, để chọn tạo giống phù hợp với nhu cầu thị trường, Nhà nước cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống. Việc tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn sẽ giúp doanh nghiệp làm tốt hơn công tác nghiên cứu, thay vì chỉ nhập khẩu, đóng gói, gia công như hiện nay.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo bước chuyển mới trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của nước ta theo hướng công nghiệp, hiện đại.