Công nghiệp mũi nhọn - Lựa chọn thông minh
Một Xuân mới lại đến, năm nay toàn tỉnh đón Xuân Tân Sửu trong niềm vui mừng, phấn khởi đã vượt qua tác động bất lợi của đại dịch COVID-19, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, GRDP được xếp thứ 7/14 các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn 2016-2020 đạt 10,48%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Nhìn lại năm 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước đạt 783.618 tỷ đồng, tăng 5,4% so với 2019, bằng 97,5% kế hoạch (KH) năm. Trong đó, công nghiệp Trung ương ước đạt 23.445 tỷ đồng, tăng 2,9%, bằng 95,3% KH năm; công nghiệp địa phương ước đạt 33.297 tỷ đồng, tăng 7,3%, bằng 102,1% KH năm. Có được kết quả này là do tỉnh đã đạt được thành công lớn trong phòng, chống dịch bệnh, đưa ra được các biện pháp hiệu quả để khôi phục và phát triển kinh tế, trong đó công nghiệp mũi nhọn luôn được phát triển đúng hướng.
Nhìn vào kết quả trên có thể thấy, các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh đã tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong suốt nhiều năm qua, góp phần quan trọng tăng dần tỷ lệ xuất siêu, đặt nền móng hướng đến sự đổi mới các mô hình tăng trưởng. Minh chứng là tỉnh đã thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, ứng dụng công nghê cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong số này có thể kể đến như: Công nghiệp điện tử với điển hình là Tổ hợp công nghệ cao Samsung, chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại KCN Yên Bình; công nghiệp khai khoáng với 2 nhà máy lớn của Công ty TNHH Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo, công suất đạt trên 9.300 tấn thành phẩm (Vonfram - đa kim)/năm; công nghiệp may với nhiều nhà máy quy mô lớn…
Trong định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn những năm tiếp theo, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp đã có lợi thế so sánh; tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch; sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển cac ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Tập trung chế biến sâu, hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản để nâng cao giá trị vừa tạo cho sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.
Theo số liệu của Cục Thống kê, lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào tỉnh tiếp tục có sự khởi sắc, năm 2020 có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 352,25 triệu USD; lũy kế tính đến ngày 15/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 163 dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 8.573,9 triệu USD (tương đương khoảng 199 nghìn tỷ đồng). Để đón làn sóng đầu tư này và tạo thuận lợi trong phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, tỉnh đang tiếp tục điều chỉnh quy hoạch để mở rộng hạ tầng các KCN. Cuối tháng 11-2020, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất mở rộng KCN Sông Công II thêm 300ha; bổ sung mới KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình (quy mô khoảng 900ha thuộc xã Lương Phú, xã Tân Hòa và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình). Cùng với đó, tỉnh đang tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo sự phát triển đồng bộ. Tạo thuận lợi trong cơ chế đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, ghi dấu ấn tốt trong con mắt của các nhà đầu tư... Qua đó góp phần thúc đẩy các tăng trưởng tiếp tục có sự bứt phát trong năm 2021 và thời gian tiếp theo.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp năm 2021:Tổng giá trị sản xuất công nghiêp trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 840.822 tỷ đồng, tăng 7,3% so với ước thực hiện năm 2020. Trong đó: Công nghiệp Trung ương đạt 24.620 tỷ đồng, tăng 5%; công nghiệp địa phương đạt 35.950 tỷ đồng, tăng 8%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 780.252 tỷ đồng, tăng 7,3%...