Công nghiệp năng lượng, nguồn lực mới...

Với đặc điểm khí hậu và địa hình, Quảng Trị được coi là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp năng lượng. Vì thế, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái tạo, trong đó phải kể đến điện gió và điện mặt trời.

 Điện gió

Điện gió

Đ ối với năng lượng tái tạo, về thủy điện ngoài dự án thủy lợi-thủy điện Quảng Trị có công suất 64 MW, Quảng Trị có thêm 7 dự án thủy điện nhỏ đi vào hoạt động với tổng công suất 59,9 MW, 5 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 71,6 MW. Đối với điện gió, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 công suất 30 MW đã đưa vào vận hành quý 3/2017. Hiện nay, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện bình quân khoảng 122 triệu KWh/năm; doanh thu bình quân hằng năm ước đạt 200 tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách tỉnh nhà khoảng 20 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 15 dự án với tổng công suất 596 MW đã được quy hoạch đang triển khai đầu tư; 23 dự án với tổng công suất 1.325,45 MW đang trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 950 MW. Về điện mặt trời, toàn tỉnh hiện có 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng công suất 149,5 MW, trong đó dự án điện mặt trời LIG-Quảng Trị đang đầu tư xây dựng, công suất 49,5 MW. UBND tỉnh cũng đã trình Bộ Công thương đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch cho 4 dự án với tổng công suất 200 MW và đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 3 dự án với tổng công suất 200 MW.

Đối với nhiệt điện, tại khu vực Đông Nam Quảng Trị sẽ hình thành Trung tâm Điện lực (bao gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí). Ngày 4/1/2019, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Khu bến cảng nước sâu Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng đã tạo thêm lợi thế cho tỉnh Quảng Trị trong phát triển công nghiệp. Hiện nay, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị có công suất 1.320 MW do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến khởi công vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 12/2023 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2024. Hiện tại các bên đang tích cực đàm phán các hợp đồng BOT. Nhà máy Nhiệt điện than Quảng Trị 2 có công suất 1.200 MW hiện đã gửi hồ sơ đến Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định. Ngoài ra, dự án Nhà máy Điện khí 340 MW của Tập đoàn Gazprom-CH Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện 7 làm cơ sở cho việc khảo sát, xây dựng kế hoạch đầu tư.

Năm 2019 dự kiến khánh thành 2 dự án thủy điện (Đakrông 4 và La Tó), 1 dự án điện gió (Hướng Linh 1), 1 dự án điện mặt trời (LIG - Quảng Trị) với tổng công suất 123,1 MW có tổng mức đầu tư khoảng 3.866 tỉ đồng. Ngoài ra còn dự kiến khởi công 7 dự án điện gió, 3 dự án thủy điện, 2 dự án điện mặt trời; 1 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 với tổng công suất 1.896 MW, tổng mức đầu tư khoảng 69.883 tỉ đồng.

Đối với các dự án điện mặt trời, hiện nay Công ty cổ phần LICOGI 13 đã đầu tư 1.200 tỉ đồng xây dựng nhà máy trên diện tích đất 58,6 ha tại xã Gio Hải và Gio Thành, huyện Gio Linh, công suất thiết kế 49,5 MWp, sản lượng điện 67.960 MWh/năm. Ngoài ra, có 5 dự án điện mặt trời đang đề nghị Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 250 MW và 4 dự án đang nghiên cứu đề xuất với khoảng 180 MW sẽ mang lại những cơ hội khai thác nguồn năng lượng mặt trời. Sau khi dự án điện gió đầu tiên được xây dựng ở địa bàn huyện Gio Linh đi vào vận hành sẽ mở ra những cơ hội tiếp theo để Công ty cổ phần LICOGI 13 tiếp tục triển khai thêm một số dự án điện mặt trời không chỉ trên địa bàn Gio Linh mà còn ở các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị.

Rõ ràng năng lượng tái tạo là thế mạnh kinh tế mà tỉnh Quảng Trị đang tập trung khai thác. Với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Trị đã tích cực khảo sát tiềm năng, hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ và Bộ Công thương chấp thuận, phê duyệt các dự án đã được khảo sát. Mặt khác tỉnh còn chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành nhanh chóng đưa các dự án động lực trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính khẳng định: “Để đạt được các mục tiêu đặt ra, tỉnh Quảng Trị đã tăng cường chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tránh hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường để phát triển bền vững, đặc biệt là bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân, gắn lợi ích của nhân dân với nhà đầu tư”.

Hiệu quả mang lại từ những dự án năng lượng mà trọng tâm là điện gió, điện mặt trời là cơ sở thực tiễn để Quảng Trị khẳng định vị thế trung tâm năng lượng miền Trung. Nhưng điều quan trọng hơn chính là tạo ra một nguồn lực mới có tính ổn định góp phần thúc đẩy nền kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140223