Công nghiệp nỗ lực vượt khó
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những biến động của thị trường thế giới nhưng công nghiệp của tỉnh vẫn có bước phát triển, giá trị sản xuất đạt trên 18 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kết quả này khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa, ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai các dự án phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng đã tổ chức các đoàn công tác đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch Covid-19 đã làm các chuỗi giá trị bị đứt gãy, nhiều thị trường truyền thống bị đóng băng. Trước bối cảnh đó, nhiệm vụ hàng đầu được các doanh nghiệp thực hiện là vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chú trọng khai thác thị trường trong tỉnh, trong nước, mở rộng thị trường các nước Trung Đông, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Từ chủ trương đó, các doanh nghiệp trong tỉnh đã đổi mới cách thức tiếp cận thị trường bằng việc tăng cường liên kết sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, cùng nhau vượt qua khó khăn. Theo ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang, năm 2020, Chính phủ, tỉnh quyết liệt thực hiện các biện pháp giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các đoàn kiểm tra tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Các công trình, dự án, nhất là 3 công trình kênh mương, đường bê tông và nhà văn hóa thôn bản tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh thực hiện, tạo điều kiện tốt cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ các sản phẩm. Công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các chủ đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh, do vậy các sản phẩm sản xuất đến đâu, xuất bán hết đến đó. Năm 2020, công ty hoàn thành mục tiêu sản xuất hơn 930 nghìn tấn xi măng, doanh thu đạt 830 tỷ đồng, ổn định việc làm cho hơn 300 công nhân lao động, thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất da giày, may mặc gặp nhiều khó khăn nhất, bởi các bạn hàng truyền thống ở nước ngoài tạm hoãn ký hợp đồng do dịch Covid-19 hoành hành. Thế nhưng, bằng sự nhạy bén và năng động, các doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm, chủ động tìm kiếm đối tác trong nước và các nước kiểm soát tốt dịch bệnh để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh có 2 công ty lớn chế biến lâm sản là Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodslad Tuyên Quang đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, được sự giúp đỡ, động viên của lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng của tỉnh đã tạo động lực cho công ty ổn định sản xuất kinh doanh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành Công thương tỉnh đã làm việc cụ thể với công ty để định hướng thị trường tiêu thụ, ngoài xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, công ty tìm kiếm các đối tác trong toàn quốc để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó công ty đã bán được trên 200 nghìn tấn bột giấy và giấy, doanh thu gần 3.000 tỷ đồng. Công ty không phải cắt giảm lao động, ổn định việc làm cho trên 800 công nhân, lao động, thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Các doanh nghiệp da giày, may mặc trên địa bàn tỉnh cũng đã chuyển hướng sản xuất kinh doanh, đa dạng các sản phẩm để phù hợp với bối cảnh thế giới đang phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty May Tuyên Quang LGG chia sẻ, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, hợp đồng may mặc với các đối tác nước ngoài bị tạm hoãn, công ty đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang phục vụ phòng chống dịch trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Trong năm 2020, công ty xuất khẩu được 3,6 triệu sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 400 lao động.
Khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công nghiệp Tuyên Quang đạt được kết quả quan trọng, tạo đà thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp năm 2021, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong năm 2021, ngành Công thương tỉnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, dệt may, da giày; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như dự án mở rộng Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Nhà máy Gang thép Tuyên Quang, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; hoàn thành xây dựng các nhà máy thủy điện theo quy hoạch... bảo đảm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.