Công nghiệp tiếp đà tăng trưởng

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cộng đồng DN, đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì sự phục hồi ổn định, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2022 tăng gần 15% so với cùng kỳ, góp phần tăng thu ngân sách, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ CNC, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) ngày một phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động

Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ CNC, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) ngày một phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, tháng 8/2022, dù gặp không ít khó khăn do tác động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, song các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, linh hoạt; chú trọng đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào; tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ mới; vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy; đảm bảo tốt quyền lợi cho người lao động để ổn định nhân lực cho các dây chuyền sản xuất.

Một số DN đã tích cực gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng cường kết nối với các DN trong nước nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu, phụ kiện, linh kiện từ nhập khẩu, hạn chế tình trạng thiếu nguyên vật liệu sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào.

Nhờ đó, tình hình đăng ký DN tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao gấp 2 đến 3 lần số DN rút khỏi thị trường.

Tính đến ngày 15/8/2022, toàn tỉnh có 898 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 18.616 tỷ đồng, tăng trên 18% về số DN, tăng gần 130% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Có 314 DN quay trở lại thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2022 lên 1.212 DN (trung bình mỗi tháng có 152 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 14,96% so với cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 19/24 ngành có chỉ số sản xuất tăng, 5/24 ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước; một số ngành công nghiệp trọng điểm duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Cụ thể, sản xuất linh kiện điện tử tăng 21,57% do các hãng công nghệ lớn cho ra mắt thị trường thế hệ sản phẩm mới, các DN hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 19,59%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,22%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 14,43%.

Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất ô tô, xe máy tiếp tục bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và linh kiện công nghệ cao và tháng 8 năm nay trùng với tháng 7 âm lịch nên người dân có tâm lý hạn chế chi tiêu, mua sắm nhất là đối với những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, xe máy khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành kém sôi động hơn nhưng vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng khác giảm 30,88%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 17,28%.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may toàn cầu đã có những dấu hiệu suy giảm, nhất là tại thị trường lớn là Mỹ và EU. Nguyên nhân là do lạm phát tăng cao, người dân hạn chế chi tiêu, khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của nước ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất; chi phí sản xuất tăng do giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao.

Để ổn định sản xuất và phát triển trong những tháng cuối năm, các DN ngành sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cần chủ động nắm bắt xu hướng thị trường, đa dạng hóa nguồn cung nguyên, phụ liệu, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu của các đối tác; đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới để ổn định và gia tăng doanh thu cho ngành.

Chủ động trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các khách hàng, một số DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhằm bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, một số dự án công nghệ cao đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và bắt đầu đi vào hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng nhân công, nhất là lao động chất lượng cao của các DN trong nước tăng mạnh.

Trong thời gian tới, các ban, ngành chức năng của tỉnh cần tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN để có cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu của DN; thực thi các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tăng cường kết nối hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và DN trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm và giữ chân người lao động làm việc tại các DN trên địa bàn góp phần an sinh xã hội, tăng thu ngân sách.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82635/cong-nghiep-tiep-da-tang-truong.html