Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng ngày càng khởi sắc

Nằm về phía Bắc của tỉnh, Vĩnh Linh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), xây dựng. Đó là địa hình bán sơn địa, vừa có rừng núi, đồng bằng và vùng biển; có hệ thống Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc - Nam đi qua cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào; có khu neo đậu Cửa Tùng, 6 chợ đầu mối, 9 chợ thuộc các xã và hàng ngàn đại lý lớn nhỏ tạo ra kênh giao thương rộng khắp.

 Ngành may mặc giải quyết nhiều việc làm cho người lao động - Ảnh: PN

Ngành may mặc giải quyết nhiều việc làm cho người lao động - Ảnh: PN

Trong giai đoạn 2015 - 2020, CN - TTCN và xây dựng được nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Linh. Đặc biệt, kể từ năm 2016 khi HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển ngành CN-TTCN giai đoạn 2016 - 2020 thì lĩnh vực này như được tiếp thêm động lực để phát triển sôi động hơn.

Tốc độ tăng trưởng của ngành CN -TTCN bình quân đạt 17,48%/năm. Ngành xây dựng phát triển mạnh với tốc độ bình quân 19,4%/năm. Trong 5 năm đã có trên 500 công trình, dự án được khởi công xây dựng. Đặc biệt, giá trị sản xuất CN-TTCN tăng bình quân 14,8%/năm. Đến nay toàn huyện phát triển được hơn 1.075 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như cơ khí, mộc nề, chế biến nông lâm thủy sản, chế biến mủ cao su, vật liệu xây dựng, may mặc, cửa nhựa… Qua đó đã tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động thường xuyên.

Từ lợi thế bán sơn địa, phía Tây là rừng núi, huyện đã mở rộng diện tích rừng trồng hơn 19.000 ha, trong đó có 9.100 ha có chứng chỉ FSC và trên 5.459 ha cao su đã cho khai thác mủ, qua đó đã tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho nhóm ngành chế biến lâm sản và chế biến mủ cao su . Toàn huyện có 5 doanh nghiệp chế biến lâm sản và 7 doanh nghiệp chế biến mủ cao su có công suất lớn với sản lượng ổn định, tiêu biểu như Công ty Cổ phần cao su Bến Hải công suất 4.500 tấn/năm, Doanh nghiệp tư nhân Đức Hiền công suất 5.000 tấn/năm, Công ty cao su Trần Dương công suất 3.000 tấn/năm. Cùng với đường bờ biển dài hơn 25km, có cả bãi ngang và cửa lạch với nhiều loại hải sản phong phú, nhóm ngành nghề chế biến hải sản truyền thống tại các gia đình từ lâu đời đang dần được mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu như nước mắm Tùng Vân, Khiêm Trọng, Huỳnh Kế… hay nhiều cơ sở chế biến hải sản quy mô nhỏ khác từ ruốc, mực khô, cá khô, cá sấy.

Nhờ tăng cường các hoạt động cải tiến sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, nhiều sản phẩm CN-TTCN của địa phương đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Đã có 7 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Ném Vĩnh Linh, lạc Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, đậu xanh Vĩnh Giang, khoai môn Vĩnh Linh, hồ tiêu Vĩnh Linh. Nhiều sản phẩm đang được xem xét cấp giấy chứng nhận và có tem truy xuất nguốn gốc như: Nước mắm Cửa Tùng, bột sắn dây Vĩnh Linh, thanh long ruột đỏ… Năm 2018, huyện Vĩnh Linh có 3 sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh, năm 2019 có 4 sản phẩm và đến năm 2020 có thêm 5 sản phẩm được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm đạt mức phân hạng 3 sao.

Một trong những kết quả nổi bật khác trong lĩnh vực CN-TTCN và xây dựng mà huyện Vĩnh Linh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua đó là thu hút đầu tư vào các cụm CN trên địa bàn. Cụ thể, Cụm CN Cửa Tùng đi vào hoạt động với diện tích 2,6 ha, hiện đã có 3 doanh nghiệp tham gia với tổng vốn đầu tư trên 18 tỉ đồng, thu hút trên 527 lao động. Khu CN Tây Bắc Hồ Xá thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn hơn 230 tỉ đồng, 1 nhà đầu tư kết cấu hạ tầng KCN có vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Ngoài ra Cụm CN vùng Đông cũng đã được UBND tỉnh quyết định bổ sung vào quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Bước sang giai đoạn mới của nhiệm kỳ mới huyện Vĩnh Linh tiếp tục đặt ra mục tiêu cụ thể cho lĩnh vực CN-TTCN, xây dựng, đó là chiếm tỉ trọng từ 31-32% trong cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời chọn công nghiệp là một trong 2 lĩnh vực để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Để làm được điều này, huyện Vĩnh Linh đã có những định hướng, hoạch định thực hiện trong thời gian tới. Trong đó sẽ tập trung phát triển toàn diện ngành CN-TTCN, ưu tiên các lĩnh vực có lợi thế như công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, chế biến nông lâm thủy sản, chế biến cao su, khoáng sản, đóng thuyền composite…. Triển khai có hiệu quả quy hoạch và quản lý quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện gắn với đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Phối hợp thu hút các dự án đầu tư vào các cụm CN, nhất là Khu CN Tây Bắc Hồ Xá để tạo ra động lực thúc đẩy cho toàn ngành. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực, quan tâm phát triển các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Ưu tiên bố trí những nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông, điện nước, thông tin liên lạc cho các chủ đầu tư dự án, các cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Song song với đó là tạo mọi điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp; thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào Cụm CN vùng Đông và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch một số cụm CN trên địa bàn như phía Bắc xã Vĩnh Chấp, phía Tây ven đường Hồ Chí Minh và các điểm làng nghề có tiềm năng phát triển tại các địa phương trong huyện.

Phương Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151045