Công nghiệp văn hóa

MV 'Bắc Bling' của Hòa Minzy đã vượt mốc 100 triệu view chỉ sau hơn 1 tháng ra mắt. Cùng với đó, thương hiệu của Bắc Ninh tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ. Các bối cảnh xuất hiện trong MV 'Bắc Bling' như làng tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đền Đô, chùa Dâu… trở thành những điểm đến hấp dẫn, một kênh quảng bá du lịch hiệu quả, hứa hẹn tạo ra chuỗi giá trị liên kết với các ngành công nghiệp khác.

MV "Bắc Bling" của Hòa Minzy vươn ra quốc tế dù mới ra mắt. Ảnh: NVCC

MV "Bắc Bling" của Hòa Minzy vươn ra quốc tế dù mới ra mắt. Ảnh: NVCC

Việc các nghệ sĩ trẻ khai thác rất tốt chất liệu dân gian trong các sản phẩm nghệ thuật của mình không chỉ giúp làm phong phú thêm nền âm nhạc mà còn góp phần tạo dựng một hình ảnh văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế.

Theo nhận định của một số chuyên gia văn hóa, sự phát triển của công nghiệp văn hóa không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn giá trị truyền thống mà còn phải tìm cách đưa chúng đến gần hơn với thế hệ trẻ. Hiện một số địa phương bắt đầu chú ý đến việc mời nhạc sĩ, nhà sáng tạo âm nhạc để làm các MV quảng bá cho văn hóa, du lịch địa phương.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh: Chúng ta đang ở thời kỳ mà công nghệ thông tin cực kỳ phát triển. Sự dung hòa giữa nghệ thuật và quảng bá cũng chưa bao giờ thuận lợi như ngày nay. Cùng với đó, sự am hiểu bản sắc văn hóa địa phương đối với lớp trẻ cũng thuận lợi hơn.

“Ngày trước, để học được một bài Quan họ, chúng tôi đạp xe đi lại hàng tuần, thế nhưng ngày nay thì bật YouTube thì ngồi ở đâu cũng học được, ở đâu cũng có thể sáng tạo được” – ông Vĩ nói.

Theo ông Vĩ, giá trị nghệ thuật, sự quảng bá, am hiểu bản sắc văn hóa đã phát triển lên một tầm cao mới, những người trẻ ngày càng có những sáng tạo không ngừng và thành công của “Bắc Bling” là một điển hình.

Thế nhưng, bên cạnh thuận lợi thì cũng còn không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là nguồn lực. Nếu không có sự phối hợp, quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhất là ngành Văn hóa thì sẽ rất khó. Ví như đã từng có một số người muốn chuyển thể một chương Mo Mường thành hoạt cảnh trình diễn nhưng lại rất khó thuyết phục cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, vì nhiều người vẫn quan niệm: Phải hát trong đám tang mới là Mo Mường, đưa vào một không gian sáng tạo khác là không được.

“Vì vậy, tôi cho rằng, tài năng, nhiệt huyết và sự đam mê của người sáng tạo, của lớp trẻ là không thiếu. Tuy nhiên, cái họ cần ở đây là sự khuyến khích, tạo điều kiện cũng như tư duy cởi mở hơn trong cách làm để phù hợp với thị hiếu đương đại” - ông Vĩ nhấn mạnh.

M.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-nghiep-van-hoa-10302977.html