Công nghiệp văn hóa chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, với những thách thức đã được chỉ rõ, liệu đến 2030, doanh thu từ 12 ngành công nghiệp văn hóa có đạt con số 7% GDP như kỳ vọng?
Hội nghị Văn hóa toàn quốc thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng – Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, trong bối cảnh các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Trước năm 1986, Đảng ta quan niệm văn hóa là hoạt động tuyên giáo, tuyên truyền; nhưng ngày nay, với 2 bản Chiến lược Phát triển các ngành CNVH đã được thông qua, văn hóa được xác định là một ngành kinh tế đem lại doanh thu.
Khác với 2 Hội nghị Văn hóa hoàn toàn quốc diễn ra trong giai đoạn kháng chiến, Hội nghị lần này diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Chính phủ kí thông qua Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa đến năm 2030, trong đó đề ra chỉ tiêu cụ thể: đến 2030 doanh thu từ 12 ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP. Con số này là thách thức lớn. Nhưng trong bối cảnh các nước ASEAN khác như Thái Lan, Singapore và Philipines hiện nay đã vượt qua con số này, những người làm văn hóa không còn cách nào khác là phải quyết tâm lăn xả.
Thực tế, vài năm qua tại Việt Nam đã chứng kiến các sản phẩm văn hóa đem lại doanh thu "khủng" không kém gì các ngành kinh tế khác. Đơn cử như bộ phim Bố già vừa giành Bông sen bạc tại LHP Việt Nam 2021. Đó là phim Việt đầu tiên cán mốc doanh thu 400 tỷ đồng trong nước; tính đến thời điểm hiện tại phim đã có doanh thu hơn 600 tỷ cộng gộp từ các thị trường quốc tế. Câu chuyện của Bố già không hề là chuyện hiếm trong ngành điện ảnh. Tổng doanh thu 10 phim ăn khách nhất Việt Nam hiện nay là hơn 1.700 tỉ đồng. Nếu thị trường sớm được khôi phục sau đại dịch Covid-19 dự báo các mốc doanh thu mới sẽ tiếp tục được phá.
Theo tiến sỹ Nguyễn Hà, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), tín hiệu này rất đáng mừng và cho thấy tiềm năng to lớn của các ngành CNVH Việt Nam: “Trong thời điểm hiện nay, thông tin doanh thu Bố già thể hiện tín hiệu đáng mừng! Nhìn rộng hơn, vươn khỏi lĩnh vực điện ảnh, nhìn vào tiềm năng đóng góp về kinh tế của các lĩnh vực CNVH khác (có tất cả 12 ngành), chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, đến 2030 con số 7% GDP đóng góp từ các ngành CNVH sáng tạo của Việt Nam là hoàn toàn khả thi”.
12 ngành CNVH Việt Nam trong bản Chiến lược Phát triển Các ngành CNVH bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017, thì công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Nhiều quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới, vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ. Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, tỉ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04%, đem lại tỷ trọng việc làm 2,21% cho tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành CNVH và sáng tạo có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.
Tất nhiên, để đến được những kết quả này, nhiều quốc gia trên thế giới có tỉ trọng xuất khẩu CNVH mạnh như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ sự phát triển của CNVH. Chẳng hạn như ở Mỹ, kinh đô điện ảnh – âm nhạc – thời trang thế giới, Chính phủ Mỹ có những ưu đãi lớn về chính sách thuế nên mặc dù không có một cơ quan điều tiết như Bộ Văn hóa, nền văn hóa Mỹ vẫn mạnh hàng đầu thế giơi.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết, các chính sách thuế của Mỹ khá thông thoáng, tạo điều kiện giảm trước thuế cho những khoản đóng góp cho Văn hóa Nghệ thuật (VHNT). Nó kích thích những người giàu ở Mỹ có những đóng góp, hỗ trợ cho sự phát triển VHNT, tạo ra tác dụng kép cho những nhà đầu tư.
"Thứ nhất là họ được hưởng lợi từ chính sách thuế, họ cũng có thể quảng bá tên tuổi, hình ảnh bản thân như những mạnh thường quân tài trợ cho VHNT, tạo điều kiện thu hút nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện cho sự ra đời nhiều sản phẩm VHNT, bảo tồn và phát huy cả những loại hình kén khán giả, tạo môi trường rất hỗ trợ cho phát triển VHNT”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Quay lại câu chuyện của Việt Nam, không phải đến khi phim Bố già lập kỷ lục doanh thu các nhà quản lí mới nhìn ra tiềm năng của CNVH. Với 4000 năm lịch sử, chúng ta có những chất liệu dồi dào mà nhiều quốc gia non trẻ khác thèm muốn. Từ 2008, Việt Nam đã nằm trong top 10 quốc gia đang phát triển có doanh thu cao về xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và thiết kế. “Những năm 2008 theo báo cáo của UNTAT về kinh tế sáng tạo thế giới, Việt Nam đã là 1 trong 10 quốc gia đang phát triển có kim ngạch xuất khẩu các hàng hóa văn hóa, tiêu biểu là ngành thủ công mỹ nghệ và thiết kế lớn nhất thế giới, có chiều hướng tăng dần đều. Năm 2019 đã đạt hơn 2 tỷ USD”, tiến sỹ Nguyễn Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hà cho rằng, điểm nghẽn cốt tử ngăn chặn các ngành CNVH Việt Nam tiến đến cột mốc 7% GDP vào năm 2030 là chưa có sự đồng bộ, liên thông giữa các chính sách đầu tư phát triển văn hóa giữa các bộ ngành. Thực tế, dù là cơ quan đầu mối, nhưng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL) chỉ chịu trách nhiệm 6 ngành CNVH, 6 ngành kia nằm rải rác ở các bộ ngành khác và cả các địa phương. “Công tác phối hợp liên ngành chính là một điểm nghẽn tác động rõ đến việc chúng ta có đạt được mục tiêu đến 2030. Cơ chế phối hợp liên ngành hiện tại khiến sự phát triển các ngành CNVH Việt Nam hiện tại rất không đồng bộ".
"Có liên quan đến những quy định về thuế, những ưu đãi về nhập khẩu nguyên liệu... rồi bản quyền sở hữu trí tuệ. Những cái này không chỉ mỗi Bộ VHTTDL kiểm soát. Đơn cử như một số ngành cần cơ sở hạ tầng để phát triển thì liên quan đến Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng. Đảng và Chính phủ cũng đang nhận ra cần phải có ưu đãi đặc thù với các ngành CNVH”.
Đảng và Nhà nước ta xác định CNVH là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ, phát triển bản sắc dân tộc, đồng thời đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua một lần nữa cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng vào lĩnh vực này, một ngành có thể giúp khai phá tiềm năng tri thức mạnh mẽ của dân tộc ta./.