Công nghiệp văn hóa là động lực, mục tiêu của phát triển bền vững

Chiều 12-9, tại Bảo tàng Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học 'Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021'.

Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong 5 năm qua; đồng thời, đề xuất sáng kiến, giải pháp triển khai nội dung này hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021”.

Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021”.

Ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ra đời (tháng 9-2016) đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa.

Quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, khung chính sách đã thể hiện được khả năng bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc; gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong khi đó, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đang từng bước tạo nên sự gắn kết bền vững trong phát triển đất nước.

Hội thảo thu hút hơn 50 tham luận, là những nghiên cứu, đánh giá về thực trạng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, cơ chế, chính sách, hiệu quả phát huy nguồn lực hiện có; phân tích các mô hình, xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả trong nước và trên thế giới như một gợi mở thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đi lên.

Đặc biệt, với 2 phiên thảo luận, gồm: Bức tranh toàn cảnh và Tiêu điểm sáng tạo, các đại biểu tại Hội thảo đã trình bày, thảo luận về khuôn khổ chính sách hiện hành, góc nhìn toàn cảnh các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, đưa ra kinh nghiệm quốc tế, các tiêu điểm sáng tạo cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong nước.

Ông Kiều Việt Cường (UN-Habitat tại Việt Nam) cho biết, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đạt 3,61% GDP vào năm 2019 trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Việt Nam là 3%. Mặt khác, dù thiết kế chưa được cho là thế mạnh công nghiệp văn hóa của Việt Nam và của Hà Nội, nhưng việc tập trung phát triển lĩnh vực thiết kế đi đúng với xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo tại khu vực và trên thế giới cũng đã thúc đẩy sự thay đổi và hướng tới tối ưu hóa nguồn lực của giới trẻ từ nền tảng văn hóa nghìn năm.

“Đặc biệt, biểu hiện của Hà Nội phát triển dựa trên văn hóa được cho là một hướng đi thành công trong việc áp dụng kinh tế văn hóa sáng tạo vì sự phát triển của đô thị. Điều này đã được các tỉnh và thành phố khác, như: Lào Cai, Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... thể hiện sự quan tâm đặc biệt, đặt vào trong khung chiến lược phát triển của địa phương”, ông Kiều Việt Cường cho hay.

Còn Tiến sĩ Ngô Phương Lan (Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam) nêu: “Nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%). Phim đặt hàng của Nhà nước phát huy hiệu quả xã hội không cao, số phim có thể ra rạp đếm trên đầu ngón tay. Vài năm gần đây phim đặt hàng hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả khiêm tốn, được mời xem miễn phí”.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), trình độ chuyên môn ngành Du lịch Việt Nam đang thiếu hụt những cán bộ quản lý nhà nước các cấp giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ cùng các chuyên gia đầu ngành có đủ năng lực để dẫn dắt đưa du lịch nước nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, thiếu cả những cán bộ quản lý doanh nghiệp du lịch có trình độ cao, có tầm quản lý vĩ mô đối với các doanh nghiệp du lịch lớn để có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài...

Cần đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm

Được kỳ vọng là mốc đánh dấu một bước chuyển mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thời điểm các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm, trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững, Hội thảo khoa học cũng dành nhiều thời gian để các bên liên quan thảo luận, đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chiến lược, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2030.

Tiến sĩ Lê Thị Cúc (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, nhận thức đóng vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đảng và Nhà nước cần có chủ trương và biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh về vai trò đặc biệt của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa do ngành công nghiệp văn hóa tạo ra, trong đó đề cao chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, giá trị tinh thần và bản sắc Việt Nam trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa...

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa, khuyến khích học sinh, sinh viên khám phá, trải nghiệm các loại hình nghệ thuật, tiếp xúc với những người thực hành các loại hình, những diễn giả, tuyên truyền viên, hướng dẫn viên…

Nêu kinh nghiệm từ nhiều nước trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa khuyến nghị, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn kết chính sách công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương; tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số, gắn kết với truyền thông mới…

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1041867/cong-nghiep-van-hoa-la-dong-luc-muc-tieu-cua-phat-trien-ben-vung