Công nghiệp văn hóa: Tạo động lực để thay đổi
Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được phê duyệt có hướng tới ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế… như điện ảnh, mỹ thuật, du lịch văn hóa. Điều này đã góp phần khích lệ những người làm văn hóa bắt nhịp với xu thế toàn cầu, đó là tạo ra môi trường thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển.
Ngành kinh tế đặc biệt
Tại nhiều nước trên thế giới, công nghiệp văn hóa sớm được coi là một ngành kinh tế đặc biệt bởi mang lại siêu lợi nhuận. Thực tế, vài năm qua tại Việt Nam đã chứng kiến các sản phẩm văn hóa đem lại doanh thu “khủng” không kém các ngành kinh tế khác. Đơn cử như bộ phim Bố già vừa giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. Đó là phim Việt đầu tiên cán mốc doanh thu 400 tỷ đồng trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, phim có doanh thu hơn 600 tỷ đồng cộng gộp từ các thị trường quốc tế…
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Đình Thành, chuyên gia marketing, cho rằng, công nghiệp văn hóa và rộng hơn là công nghiệp sáng tạo đang mang lại không chỉ tiền bạc mà còn củng cố “sức mạnh mềm” đáng kể cho nhiều quốc gia. Theo ông, Việt Nam có tiềm năng to lớn từ công nghiệp văn hóa, bởi ngành công nghiệp này dựa trên sức sáng tạo của con người, và vì thế nó là một nguồn lực vô tận, chỉ cần đầu tư vào con người là sức mạnh ấy có thể được nhân lên gấp bội. Cùng với đó, Việt Nam có kho tàng các câu chuyện, di sản mỹ thuật, âm nhạc, tôn giáo, tín ngưỡng, ẩm thực, kỹ thuật chế tác cao, chưa được khai thác tương xứng với vị thế. “Thật khó có thể phân tách được văn hóa và du lịch, bởi du lịch bao giờ cũng gắn liền với văn hóa. Ngay cả khi người ta đến một nước để du lịch chữa bệnh, du lịch y tế thì đó cũng là lúc người ta khám phá văn hóa ẩm thực, cách thức phục vụ, trang phục, thế giới quan của những con người trên đất nước ấy”, TS Nguyễn Đình Thành nêu dẫn chứng.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận định, công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố “sức mạnh mềm” văn hóa, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa tại thời điểm này vẫn chưa phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên mềm văn hóa.
Tận dụng ưu thế đi tắt đón đầu
Tiềm năng đã rõ, song theo nhiều chuyên gia, chỉ tiêu đến năm 2030, doanh thu từ 12 ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP là một con số đầy thách thức.
Công nghiệp văn hóa vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam và đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Khi chuyển từ văn hóa truyền thống sang sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn thì cần đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các ngành chức năng và cộng đồng sở hữu văn hóa cần tạo ra sự cân bằng giữa khai thác tạo giá trị kinh tế và văn hóa, phát triển để cộng đồng có được lợi nhuận từ vốn tài nguyên đang có nhưng cũng phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản trong không gian vốn có…
Chia sẻ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nói rõ: “Chiến lược không tham vọng đặt ra quá nhiều mà chỉ khu trú lại những nhiệm vụ có tính chất trọng tâm, trọng điểm, cố gắng tháo gỡ điểm nghẽn, những vấn đề khó khăn”. Muốn vậy, phải hoàn thiện về thể chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý. Cần phát hiện những “điểm nghẽn” để xây dựng các quy định pháp luật…
Trong khi ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…, công nghiệp văn hóa đã rất phát triển, đem lại nguồn GDP khổng lồ thì ở Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực mới mẻ. Nhưng theo GS-TS Vũ Minh Giang, xét về nhiều phương diện, chúng ta có lợi thế của người đi sau. “Những nước công nghiệp hóa sau không chỉ có điều kiện đi tắt, đón đầu về công nghệ hiện đại hóa mà còn có đầy đủ kinh nghiệm của các nước đi trước để học tập. Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn là chúng ta vẫn còn kịp thực hiện, nếu có được sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc và biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế”, GS-TS Vũ Minh Giang tin tưởng.
Theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo vệ và phát huy di sản. “Khách quốc tế không phải đến Việt Nam vì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà đến vì văn hóa, để khám phá chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và sự mến khách; để tìm hiểu về những giá trị nghệ thuật riêng có của Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, chèo, múa rối, hát xoan, quan họ, đờn ca tài tử...”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cong-nghiep-van-hoa-tao-dong-luc-de-thay-doi-779975.html