Công nghiệp vũ khí Mỹ đối mặt thách thức trước chính sách thuế mới

Các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia đang đặt ngành sản xuất vũ khí của Mỹ vào tình thế khó khăn.

Theo Politico, những rào cản này có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà Lầu Năm Góc đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ. Hệ quả không chỉ là chi phí chế tạo vũ khí leo thang, mà còn ảnh hưởng đến các chiến lược quốc phòng của Mỹ trên trường quốc tế.

Đạn pháo 155mm tại một nhà máy sản xuất đạn dược ở Scranton, Pennsylvania, Mỹ, ngày 16/2/2023. (Nguồn: Reuters)

Đạn pháo 155mm tại một nhà máy sản xuất đạn dược ở Scranton, Pennsylvania, Mỹ, ngày 16/2/2023. (Nguồn: Reuters)

Giới chuyên gia, bao gồm các nhà ngoại giao, nhà lập pháp, quan chức và chuyên viên trong lĩnh vực quốc phòng, bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể khiến các đối tác mất niềm tin và tìm kiếm nguồn cung ứng khác. Điều này không chỉ gây tổn hại đến các nhà sản xuất vũ khí Mỹ mà còn làm suy yếu quan hệ hợp tác quốc phòng toàn cầu, một lợi thế quan trọng của Washington và các đồng minh.

Politico nhận định, Lầu Năm Góc đã dành nhiều năm để thiết lập mạng lưới nhà cung cấp quốc tế, nhưng các doanh nghiệp này đang bị tác động nặng nề bởi thuế quan. Nếu không có biện pháp miễn trừ dành riêng cho lĩnh vực quốc phòng, quá trình sản xuất và bàn giao vũ khí, cả trong nước lẫn cho đối tác, có nguy cơ bị trì hoãn đáng kể.

Tên lửa hành trình AGM-158 JASSM. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Tên lửa hành trình AGM-158 JASSM. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Một trong những chương trình dễ chịu ảnh hưởng nhất là máy bay chiến đấu F-35, dự án hợp tác của 20 quốc gia. Bên cạnh đó, các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, bao gồm những hợp tác với Na Uy và Israel, cũng có thể gặp khó khăn.

Những dự án này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh tại châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi các đồng minh đang nỗ lực duy trì lợi thế trước Nga và Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Trump kỳ vọng chính sách thuế mới sẽ thúc đẩy sản xuất linh kiện vũ khí ngay trong nước, tạo thêm nhiều việc làm. Tuy nhiên, theo Politico, ngành quốc phòng đang đối mặt với bài toán nhân lực khi phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, đặc biệt là ngành dịch vụ, nơi mức lương hấp dẫn hơn và công việc ổn định hơn.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng vũ khí cực kỳ phức tạp. Thượng nghị sĩ Mark Kelly cho biết, nhiều linh kiện quốc phòng phải di chuyển qua biên giới nhiều lần trong quá trình sản xuất. Mỗi lần như vậy, thuế quan lại tăng, khiến chi phí đội lên đáng kể.

"Giá thành cao hơn đồng nghĩa với việc Bộ Quốc phòng phải chi nhiều hơn. Nếu muốn duy trì quy mô quân đội như hiện tại, ngân sách quốc phòng sẽ ngày càng tốn kém", ông Kelly nhận định.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cong-nghiep-vu-khi-my-doi-mat-thach-thuc-truoc-chinh-sach-thue-moi-169250404173239833.htm