Công nghiệp xanh và giải pháp bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Trong đó, giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh với ngành công nghiệp được xem sẽ góp phần giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.
Công cụ hữu ích
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển.
Theo tính toán, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức chỉ tăng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt mức này, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net zero vào năm 2050. Đây là một mục tiêu lớn cần nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.
Do đó, mô hình sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) xanh như một công cụ thiết thực giúp cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững, hiệu quả tiến tới NetZero 2050 – vì một Kỷ nguyên Xanh toàn cầu.
Theo Trưởng Đại diện Rockwool Thailand tại Việt Nam Trần Ngọc Minh, với thành viên Phương Nam Panel (PNP) đại diện đã đưa các dòng sản phẩm được xây dựng nhất quán trên tinh thần dẫn đầu công nghệ và phát triển bền vững. Và môi trường xanh là một trong 5 tính năng quan trọng mà doanh nghiệp này coi trọng trong phát triển sản phẩm.
Giám đốc PR & Marketing PNP Nguyễn Dương Trúc Linh chia sẻ, đón đầu xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, như nghành công nghiệp điện tử, bán dẫn có giá trị hàng trăm tỷ USD... khi đến Việt Nam đầu tư cũng mang theo những tiêu chuẩn rất khắt khe như vậy.
Do vậy, ngay từ những ngày đầu nghiên cứu dự án tiền khả thi, PNP đặt trọng tâm tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành kể cả chất lượng cuộc sống; thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường, khí hậu; tận dụng tài nguyên thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đối lưu không khí gió tươi bên ngoài; Sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, nước và các tài nguyên khác; Có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế, tái sử dụng; bảo đảm chất lượng không khí của môi trường làm việc bên trong và bên ngoài; sử dụng vật liệu không độc hại và bền vững.
Biến chất thải thành hàng hóa
Theo hệ thống kiểm kê Quốc gia, dự báo đến năm 2030, phát thải của ngành sản xuất VLXD sẽ rơi vào khoảng 125 triệu tấn CO2 tương đương và 148 triệu tấn CO2 vào năm 2050. Trong đó, sản xuất xi măng chiếm tỷ trọng 70%, lớn nhất trong ngành sản xuất VLXD. Hệ số phát thải cho thấy ngành công nghiệp xây dựng có mức phát thải khí nhà kính rất cao.
Bàn về vấn đề, Ths. Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Cao Cường (SCL) cho hay, là doanh nghiệp tiên phong đưa các sản phẩm trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, đơn vị đã nghiên cứu ứng dụng sản xuất các VLXD mới, xanh thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp đẩy mạnh việc tái sử dụng nguyên nhiên vật liệu; áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, giảm thiểu phát thải khí CO2 và các khí thải, chất thải gây hiệu ứng nhà kính, tạo ra môi trường lao động lành mạnh, an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đơn cử, năm 2007, Nhà máy tro bay Phả Lại được xây dựng tại phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương với công suất thiết kế đạt 1 triệu tấn/năm. Đây là dây chuyền đầu tiên tại Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành nhằm xử lý tro xỉ phế thải bằng công nghệ tuyển ướt và sấy khô đồng bộ, hiện đại, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đã được chứng nhận và nhận giải.
"Bằng công nghệ, SCL đã tiến hành xử lý triệt để trên 20 triệu tấn tro xỉ tồn đọng, lưu chứa tại hai hồ Khe Lăng và hồ Bình Giang của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, trả lại hơn 90ha diện tích hồ cho địa phương sử dụng làm nơi lưu chứa nước sạch. Qua đó góp phần giải quyết bài toán môi trường cho địa phương, đảm bảo an toàn vận hành cho Nhiệt điện Phả Lại" - vị này thông tin.
Hiện nay, doanh nghiệp đã và đang thực hiện xử lý lượng tro xỉ thải ra hàng ngày của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và các nhà máy nhiệt điện miền Bắc như: Uông Bí, Mông Dương, Hà Khánh, Hải Phòng. Bên cạnh đó, từ năm 2021, doanh nghiệp tiến hành công tác đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý tro xỉ và sản xuất VLXD mới tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm nâng tổng công suất hai nhà máy lên 2 triệu tấn/năm.
Từ thực tế hoạt động, Ths. Kiều Văn Mát đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng VLXD xanh; tạo cơ chế phù hợp để VLXD xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu, các dự án.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về VLXD xanh và lợi ích mang đến cho chủ đầu tư, người sử dụng nói riêng và toàn xã hội nói chung, để thay đổi thói quen trong việc sử dụng.
Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng VLXD xanh.
Sớm hoàn thiện các quy trình đánh giá, các tài liệu, công cụ hướng dẫn để doanh nghiệp, nhà sản xuất tiếp cận được với tín chỉ carbon và các lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại. Hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận tới các nguồn vốn tín dụng xanh, nguồn vốn ưu đãi trong nước và quốc tế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-nghiep-xanh-va-giai-phap-bao-ve-moi-truong.html