Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm, kỳ cuối: Tìm việc, giữ người

Thay vì cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp cố gắng tìm đơn hàng, sắp xếp tăng ca, giữ việc cho người lao động.

Gần 18 giờ, khu vực sản xuất của Công ty CP Quốc tế Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) chuyên may quần áo thời trang xuất khẩu vẫn sáng đèn, công nhân cẩn thận may từng đường kim mũi chỉ trên sản phẩm. Chị Thanh (36 tuổi), có gần 5 năm gắn bó với nghề lấp lánh niềm vui trong ánh mắt, nói: “Chúng tôi còn có việc làm, vẫn được tăng ca dù thời gian có ít lại nhưng vẫn rất vui. So với không ít đồng nghiệp, mình vẫn chưa trở thành người thất nghiệp. Tết này, có thể lương thưởng sẽ giảm so với các năm trước nhưng dù ít hay nhiều, có thưởng là mừng”.

Nhiều công nhân sau giờ làm còn nhặt thêm ve chai, nhận thêm sản phẩm kiếm chút thu nhập

Nhiều công nhân sau giờ làm còn nhặt thêm ve chai, nhận thêm sản phẩm kiếm chút thu nhập

Thời gian qua, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), vừa qua có khoảng 5.000 người ở xưởng sản xuất đồ dùng gia dụng nghỉ việc hai tháng do thiếu đơn hàng. Trong thời gian đó, công ty vẫn cho công nhân vào nhà máy mỗi ngày, làm các công việc khác như vệ sinh nhà xưởng, nhổ cỏ, lau kiếng, tham gia các buổi tuyên truyền về pháp luật lao động, tham gia các cuộc thi thể dục thể thao, thi kiến thức pháp luật… và đều được hưởng lương 100%. Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pousung Việt Nam cho hay, hiện 5.000 công nhân tại xưởng sản xuất đồ dùng gia dụng trên đã có đơn hàng trở lại. “Người lao động vẫn được tăng ca vì còn nhiều đơn hàng đang rất gấp” - ông Trường nói.

So với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, đơn hàng của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) sụt giảm mạnh, chỉ còn từ 70 - 80% kể từ quý III/2022. Tuy nhiên doanh nghiệp đã cố gắng duy trì, tiếp tục giữ hoạt động sản xuất bằng các biện pháp tình thế như giảm giờ làm, giãn việc... hơn 53.000 lao động của doanh nghiệp này đã chấp nhận giảm 20 - 30% thu nhập để cùng doanh nghiệp vượt khó.

Tương tự, Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (quận 12) - một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất đang có hơn 1.100 lao động. Các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cho Mỹ và các nước châu Âu. Đang lúc tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng của các đối tác ở các thị trường truyền thống này bỗng nhiên sụt giảm từ 30 - 50%. Song, không vì thế mà doanh nghiệp sa thải lao động.

Còn lao động, còn cố gắng

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony khẳng định, không doanh nghiệp nào muốn giải thể, cắt giảm lao động trừ khi quá sức cầm cự. Phương châm của doanh nghiệp là vẫn nỗ lực giữ chân lao động chứ không cắt giảm. Về chế độ phúc lợi, công ty vẫn duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Chia sẻ về cách tìm việc thời khó, ông Quang Anh tâm sự, nếu như trước đây không nhận gia công đơn hàng nhỏ của đối tác mới thì nay “mở toang cửa” tiếp khách. Dony còn nhận đơn hàng đa dạng chủng loại, sẵn sàng điều chỉnh máy móc đáp ứng yêu cầu của khách… “Ngày nào chúng tôi cũng đi tìm khách hàng chứ không chờ họ đặt quan hệ với mình như trước. Dony không đặt cược tất cả hy vọng vào khách hàng cũ, mà linh động tìm thêm đối tác mới; chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để có đơn hàng, giữ việc và để công nhân được tăng ca” - ông Quang Anh nói.

Nếu như nửa đầu năm, Công ty CP Tập đoàn Gia Định có mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, thì ở nửa cuối năm, những khó khăn từ các thị trường nhập khẩu đã khiến doanh nghiệp bị giảm đơn hàng 40 - 50%. Đơn hàng chủ lực sang thị trường EU giảm đột ngột. Để đảm bảo hoạt động và giữ việc cho hơn 1.500 công nhân, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường ngách như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…, đồng thời, chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường. “Mặt hàng truyền thống của chúng tôi là giày da nữ thời trang nhưng hiện giờ đã chuyển sang làm cả giày thể thao để làm sao có nhiều đơn hàng, đa dạng hóa mặt hàng, có hàng cho người lao động làm việc” - lãnh đạo Công ty Gia Định cho hay.

Ông Phạm Quang Anh (bìa phải) chạy khắp nơi tìm thêm đơn hàng để công nhân được tăng ca

Ông Phạm Quang Anh (bìa phải) chạy khắp nơi tìm thêm đơn hàng để công nhân được tăng ca

Cố gắng giữ lao động cũng là cố gắng của Công ty TNHH may mặc Triple (huyện Củ Chi) với quy mô 2.000 lao động. Ông Nguyễn Đắc Thời, Chủ tịch công đoàn Công ty cho hay, đơn vị này cũng giảm nhân sự nhưng chỉ giảm đội ngũ quản lý khoảng 30 người và giữ lại công nhân. “Từ bài học chật vật tuyển lao động đầu năm, nhà máy cố giữ công nhân để chờ đơn hàng phục hồi” - ông Thời nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM, đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở có khoảng 143 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, nên có khoảng 26.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Thế nên, LĐLĐ TP kết nối, giới thiệu việc làm cho công nhân trong thời gian chờ việc, duy trì thu nhập. Ngoài ra, trong kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2023, tổ chức công đoàn TPHCM sẽ chú trọng đến đoàn viên công đoàn, người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc không được doanh nghiệp thưởng Tết tại thời điểm chăm lo Tết; lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

“Đây là thời điểm rất khó khăn, chưa biết sẽ diễn biến như thế nào và kéo dài bao lâu vì còn phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu. Ai cũng hy vọng tình hình thế giới sớm ổn định, có như vậy mới phát triển, sản xuất, tiêu dùng... tạo công ăn việc làm cho người lao động...”, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giải quyết việc làm TPHCM tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với những lao động vừa phải nghỉ việc, nhanh chóng tạo việc làm phù hợp cho người lao động.

BQL các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, đang theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời hỗ trợ DN. Theo bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng Ban Quản lý Hepza, trước mắt, Hepza sẽ đi khảo sát tình hình về đơn hàng của DN trong năm 2023. “Hepza sẽ tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cuối năm 2022, Hepza cũng tăng cường nắm bắt vấn đề trả lương, thưởng cho người lao động, đồng thời tổ chức đoàn khảo sát các doanh nghiệp chậm lương, nợ bảo hiểm xã hội để phối hợp với công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất hỗ trợ người lao động” - bà Thư nói.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-nhan-chat-vat-muu-sinh-cuoi-nam-ky-cuoi-tim-viec-giu-nguoi-post1491143.tpo