Công nhân công ty CP Sahabak Bắc Kạn 'bơ vơ' đi đòi lương
Hàng trăm công nhân trong tình cảnh 'bơ vơ' không biết phải đòi quyền lợi ở đâu. Nỗ lực tìm gặp trực tiếp lãnh đạo công ty đều không được.
Vừa qua, VOV đã phản ánh tình trạng hàng trăm công nhân và người lao động của công ty Cổ phần Sahabak tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn mòn mỏi chờ lương, chế độ bảo hiểm suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, việc chờ đợi của họ có thể sẽ khó có hồi kết nếu như không có sự hỗ trợ một cách hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng của địa phương.
Vợ chồng anh Triệu Nguyên Minh, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là những người gắn bó từ khi Công ty CP Sahabak mới thành lập. Đến nay, ngoài 3 tháng tiền lương còn nợ của anh Minh thì vợ anh cũng là một trong số hàng chục lao động chưa nhận được chế độ thai sản theo quy định. Anh Minh cùng một số anh em công nhân đã nhiều lần liên lạc với ông Lê Viết Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty và cũng là lãnh đạo duy nhất còn lại của đơn vị này nhưng đều không mang lại kết quả.
“Chúng tôi đã 2-3 lần lên công ty đòi, rồi gọi điện cho ông Lê Viết Thắng đều không được. Có lúc nghe máy rồi tắt, chỉ cần nói đến chuyện tiền là ông ấy tắt máy ngay. Bây giờ không đòi được lương chúng tôi không biết phải làm thế nào”, anh Minh bức xúc nói.
Cho đến thời điểm này, duy nhất chỉ có trường hợp của bà Bùi Thị Lanh, (thôn Cốc Po, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) làm đơn gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn. Còn lại hàng trăm người khác trong tình cảnh “bơ vơ” khi không biết phải đòi quyền lợi ở đâu ngoài việc trực tiếp tìm đến lãnh đạo công ty. Trường hợp “đánh liều” gửi đơn đến Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn nhờ can thiệp cũng chỉ có chưa đầy 10 người. Phần lớn công nhân bị nợ lương, bảo hiểm sau nhiều lần đòi không được đã chán nản, bỏ đi làm nơi khác.
Anh Đinh Văn Bách, thôn Cốc Po, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết, mặc dù công ty có tổ chức công đoàn nhưng hiện đã giải thể: “Tôi chưa thấy bên công đoàn chưa làm đủ vai trò trách nhiệm của mình. Từ trước làm việc cũng thế, không ai sát sao việc bảo vệ quyền lợi công nhân cả. Cũng một phần do nhận thức anh em công nhân, họ cũng không biết đi đâu, làm gì để bảo vệ quyền lợi”.
Liên lạc với lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Chợ Mới, đơn vị này cũng xác nhận, hiện nay tổ chức Công đoàn của Công ty đã giải thể nên người lao động muốn đòi quyền lợi thì trực tiếp liên hệ với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn.
Làm việc với Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Kạn, phóng viên nhận được câu trả lời khá chung chung của ông Vũ Hồng Khanh, Phó Trưởng ban Công tác cơ sở: “Khi đơn vị doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, theo quan điểm của tổ chức công đoàn chúng tôi để đảm bảo quyền lợi người lao động thì căn cứ theo quy định điều 202, khoản 5, Luật Doanh nghiệp, phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động như tiền lương, bảo hiểm và các điều khoản ký kết theo thỏa ước lao động tập thể cũng như hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động”.
Ông Vũ Hồng Khanh cũng cho biết thêm, hiện đơn vị đã phối hợp các cơ quan tìm hướng giải quyết, nhưng vẫn phải chờ hướng xử lý từ tỉnh và phía công ty. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Cương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn cho hay, mọi việc đã ủy quyền cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giải quyết.
Về phía Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn, ông Nông Đình Huân, Phó Trưởng ban cho biết, hiện đơn vị không có chế tài để xử lý vấn đề. Khi nhận được đơn của một số công nhân, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn chỉ cử cán bộ xác minh, trực tiếp gặp lãnh đạo công ty trao đổi. Thậm chí, bản thân Khu Công nghiệp còn bị công ty Sahabak nợ gần 4 tỷ tiền phí dịch vụ mà không thể thu hồi.
“Chúng tôi đốc thúc nhiều rồi, mà hiện nay Công ty CP Sahabak cũng cơ bản không còn, chỉ còn tên thôi. Hai phần đất đã chuyển cho công ty khác đấu giá. Ngay như anh Lê Viết Thắng trước là Tổng Giám đốc thì nay cũng đã chuyển sang làm cho công ty”.
Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, người lao động cũng như các đơn vị liên quan đến những khoản nợ của Công ty CP Sahabak nên khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi của mình:
“Chúng ta khẳng định là công ty vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những khoản nợ này, vì hiện nay công ty vẫn đang là một thực thể pháp nhân đang tồn tại. Do đó, mọi nợ nần và cam kết của công ty vẫn phải chịu trách nhiệm. Các bên liên quan hoàn toàn có thể dùng các công cụ từ chính quyền, hoặc ở đây chủ yếu là hợp đồng nên sử dụng công cụ là Tòa án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp các bên liên quan”.
Câu trả lời của hầu hết cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn là: giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, như thế nào là “quy định của pháp luật” thì phần lớn công nhân đều là những người dân tộc thiểu số ở địa phương, trình độ nhận thức còn hạn chế không được ai hướng dẫn cụ thể ngoài sự đùn đẩy trách nhiệm và những câu trả lời chung chung.
Lúc này, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn và rõ ràng hơn của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn để hàng trăm công nhân lao động được hưởng quyền lợi chính đáng của mình./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cong-nhan-cong-ty-cp-sahabak-bac-kan-bo-vo-di-doi-luong-979236.vov