Công nhân Điện lực Hà Tĩnh 'mê' sáng kiến kỹ thuật
Ở Điện lực Hà Tĩnh, đồng nghiệp vẫn gọi anh Phạm Thanh Tùng (Công nhân đội Quản lý vận hành, Điện lực Kỳ Anh) là người có duyên với giải thưởng với những sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao hiệu suất công việc.
Anh Phạm Thanh Tùng - Công nhân Đội Quản lý vận hành, Điện lực Kỳ Anh.
Vào làm việc tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh chưa đầy 2 năm nhưng anh Phạm Thanh Tùng (công nhân Đội Quản lý Vận hành, Điện lực Kỳ Anh) đã xuất sắc giành bảng thành tích ấn tượng: giải nhất hội thi thợ giỏi Công ty Điện lực Hà Tĩnh (năm 2022), giải nhì cuộc thi chuyển đổi số Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2021), 1 sáng kiến cấp Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (năm 2022), 2 sáng kiến cấp công ty (năm 2022) và nhiều giải thưởng khác trên nhóm “Đồng nghiệp EVN”.
Năm 2022, anh Phạm Thanh Tùng vinh dự được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng bằng khen. Điều mà đồng nghiệp luôn ghi nhận ở anh là niềm đam mê sáng tạo, nỗ lực nghiên cứu để cho ra đời nhiều sáng kiến kỹ thuật, góp phần cải tiện môi trường làm việc cũng như nâng cao khả năng vận hành của lưới điện Hà Tĩnh.
Sinh năm 1991 tại xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn), từ nhỏ anh Phạm Thanh Tùng đã có nhiều kỷ niệm với nghề thợ điện khi bố anh từng làm Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ điện trên địa bàn.
Anh Tùng nhớ lại: “Mong muốn được tiếp nối công việc của bố, năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Điện lực (hệ Cao đẳng Kỹ thuật điện), tôi xin vào làm nhân viên dịch vụ điện nông thôn rồi công nhân hợp đồng tại Điện lực Hương Sơn. May mắn được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, tôi đã không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ bố và các đồng nghiệp trong đơn vị. Xuất phát từ thực tiễn vận hành lưới điện, tôi mạnh dạn đưa ra các đề xuất, ý tưởng mới trong quá trình lao động, sản xuất và được Ban Giám đốc Điện lực Hương Sơn hỗ trợ thực hiện".
Theo đó, với 2 sáng kiến “Cải tiến nâng cấp chân trèo cột bê tông chữ H” và “Bộ cố định dây công tơ trong hòm hộp phục vụ công tác thay thế công tơ” được Công ty Điện lực Hà Tĩnh công nhận, anh Tùng đã đóng góp tích cực vào phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Điện lực Hương Sơn.
Sau quá trình phấn đấu, tháng 4/2021, anh Tùng chính thức được Công ty Điện lực Hà Tĩnh tuyển dụng và phân về Điện lực Kỳ Anh công tác. Ở môi trường mới, anh nhanh chóng tiếp cận công việc và chủ động nghiên cứu, tìm tòi, tự đầu tư kinh phí và dành nhiều thời gian để thực hành, trải nghiệm các ý tưởng kỹ thuật.
Trong thời gian ngắn, anh đã cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời 3 đề tài sáng kiến mang tính ứng dụng cao. Trong đó, phải kể đến sáng kiến "Sử dụng bộ dụng cụ giá đỡ phục vụ công tác thay xà và cách điện trên luới điện trung thế”. Công trình được ứng dụng thực tiễn tại đơn vị và được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đánh giá cao trong năm 2022.
Anh Tùng cho hay: “Công ty Điện lực Hà Tĩnh vận hành khối lượng đường dây trung thế lớn. Đặc điểm địa hình ven biển nên lưới điện Hà Tĩnh ảnh hưởng sương muối dẫn đến hệ thống xà, đinh xà sớm rỉ sét; sứ cách điện bị nhiễm bẩn và nhanh hư hỏng so với địa hình khác. Bởi vậy công ty phải tăng cường kiểm tra, xử lý khiếm khuyết, thường xuyên thay xà và sứ cách điện bị hư hỏng để lưới điện vận hành an toàn, ổn định.
Tuy nhiên, công việc này gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, nhân lực, ảnh hưởng đến năng suất lao động và độ tin cậy cung cấp điện. Từ những hạn chế đó, tôi cùng đồng nghiệp đã chủ động nghiên cứu và sau nhiều lần thử nghiệm, sáng kiến bộ dụng cụ giá đỡ phục vụ thay xà và cách điện trên lưới điện trung thế đã được áp dụng vào thực tiễn”.
Khi được ứng dụng, bộ dụng cụ giá đỡ sẽ kẹp trực tiếp vào xà, sau đó dùng máy bắn bulong để nâng dây lên, thay vì dùng sức người như trước đây. Việc đưa sáng kiến vào áp dụng vào thực tiễn sẽ hỗ trợ tối đa cho công nhân, từ đó nâng cao năng suất lao động, giảm tối đa thời gian thực hiện công việc và nâng cao độ tin cậy cấp điện.
“Ngành điện vất vả, nhọc nhằn nên việc áp dụng các sáng kiến kỹ thuật để giải phóng sức lao động, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao hiệu suất công việc là điều chúng tôi luôn nghĩ tới. Suy nghĩ đi cùng hành động đã thôi thúc tôi dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và đưa ra các đề xuất trước tập thể. Rất may, những ý tưởng đó được lãnh đạo và đồng nghiệp ủng hộ; nhờ đó có thể tạo ra những sáng kiến hiệu quả để ứng dụng vào thực tế tại đơn vị. Thành quả bản thân đạt được không chỉ của riêng tôi mà là nỗ lực của cả tập thể” - anh Tùng chia sẻ.
Không chỉ có nhiều sáng kiến kỹ thuật, anh Tùng cũng thường xuyên xung phong đảm nhận những công việc phức tạp, sẵn sàng đi trước, về sau trong những đợt xử lý sự cố điện hay thời điểm nắng nóng, mưa bão.
Bản thân anh cũng là tấm gương trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Lưới điện Kỳ Anh chạy qua đồi núi, qua diện tích lớn rừng keo, tràm. Anh đã cùng đồng nghiệp tích cực vận động người dân chặt tỉa, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các điểm nóng, “điểm đen” về hành lang tuyến, giảm thiểu sự cố lưới điện.
Anh Phạm Thanh Tùng là một điển hình về tinh thần chủ động, tích cực, tạo khí thế, động lực để khơi dậy sức sáng tạo của toàn thể cán bộ, công nhân viên. Anh đã mang đến “luồng gió mới” trong phong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại đơn vị, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng chí còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể tại đơn vị, xông xáo trong các chương trình tri ân, thiện nguyện tại địa phương.