Công nhân Hà Nội trắng đêm dọn cây đổ sau bão
Những ngày này, công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đang dồn sức cho công tác khắc phục, giải tỏa cây xanh bị gãy, đổ sau bão số 3. Mỗi người mỗi việc, ai ai cũng khẩn trương dồn sức cùng đơn vị lao động xuyên đêm để sớm trả lại hình ảnh 'xanh-sạch-đẹp' vốn có cho Hà Nội.
Gần như không có thời gian nghỉ
Chúng tôi có mặt tại đường Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi những công nhân thuộc Tổ 4, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đang xử lý một cây cổ thụ lâu năm bị bật gốc chắn ngang đường. Quá 11 giờ, dưới cái nắng nóng hơn 35 độ C, các công nhân cây xanh đu mình lên trên ngọn cây cao đến chục mét, miệt mài cắt tỉa thân cành. Mồ hôi ướt đẫm áo bảo hộ của các anh. Chiếc cưa máy trong tay các anh đã hoạt động liên tục từ đêm qua, nhưng chưa nghĩ đến việc dừng do khối lượng công việc còn quá nhiều.
Gạt vội mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt đen sạm, anh Tạ Quang Khải, công nhân thuộc Tổ 4, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh cho biết, anh vừa trở lại mặt đất để nghỉ luân phiên. “Từ hôm bão đổ bộ đến nay, chúng tôi chia nhau làm việc liên tục, có ngày phải thức trắng đêm để xử lý cây gãy, đổ. Giải tỏa xong điểm này sẽ tới điểm khác, khu vực nào có cây đổ là phải xử lý ngay, bởi chậm trễ là ách tắc giao thông hoặc nguy hiểm cho người đi đường. Mệt lắm, nhưng chúng tôi cũng phải tự động viên nhau cố gắng làm việc khẩn trương để sớm hoàn thành tiến độ”, anh Khải chia sẻ.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, trên địa bàn công ty được giao quản lý, bão số 3 đã làm khoảng 15.000 cây gãy, đổ, bật gốc (trong tổng số hơn 40.000 cây bị gãy, đổ trên toàn thành phố). Số lượng cây cần khắc phục rất lớn, buộc công nhân phải đẩy nhanh tiến độ làm việc. Thời gian trung bình để xử lý cây đổ được rút ngắn xuống còn 1 giờ thay vì 2-3 giờ đồng hồ như trước đây. Như vậy, mỗi ngày các công nhân sẽ xử lý ít nhất từ 20 đến 25 cây xanh, tùy theo kích thước cây, nhiều gấp 2 lần so với ngày thường.
Với khối lượng công việc quá lớn và thời gian gấp rút, việc ăn uống, nghỉ ngơi của mỗi công nhân phải tranh thủ từng phút một. Bữa trưa của họ thường chỉ là cơm hộp hoặc bánh mì, ăn nhanh tại hiện trường; có khi vừa ăn, vừa phải giám sát việc cưa cây. Đêm đến, các công nhân cũng không được về nhà, mà chỉ chợp mắt ngay tại những chiếc lán dựng tạm gần khu vực làm việc để sáng sớm hôm sau lại tiếp tục. “Chúng tôi gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Anh em nào mệt thì thay phiên nhau ngồi nghỉ bên vệ đường, uống vài ngụm nước rồi lại làm tiếp”, anh Lưu Bách Bẩy, Tổ trưởng Tổ 4, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh cho biết.
Nhà ngập nhưng đành để vợ con tự xoay xở
Mệt nhọc là vậy, các công nhân vẫn quyết tâm một lòng, vì mục tiêu chung, góp phần bảo đảm việc thu dọn cây xanh gãy đổ sau bão số 3 tại các quận nội thành theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất với các công nhân cây xanh là nỗi lo khi phải xa gia đình. Anh Phạm Ngọc Tâm, công nhân Tổ 8, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh cho biết, nhà anh và nhiều thành viên trong tổ ở ngoài đê nên mấy hôm trước, khi nghe tin nước sông Hồng lên, lòng ai cũng như lửa đốt. “Vợ gọi điện bảo nhà ngập, đồ đạc bị hỏng hết, nhưng tôi không thể bỏ dở nhiệm vụ để trở về nên chỉ có thể động viên vợ con tự xoay xở. Cây đổ nhiều quá, anh em ở đây làm việc không ngừng tay. Nghĩ mà xót, nhưng công việc thì không thể dừng lại được”, anh Tâm chia sẻ.
Với anh Lê Ngọc Cường, công nhân Tổ 4, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh cũng không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến con nhỏ ở nhà. Anh chia sẻ, khi con gọi điện hỏi bao giờ bố về, anh không biết phải trả lời thế nào vì còn quá nhiều việc phải làm. “Cây đổ nhiều quá, chưa dọn hết thì làm sao có thể về nhà”, anh Cường nói, giọng bùi ngùi.
Anh Lưu Bách Bẩy cho biết, từ khi bão tan phải đến hơn chục ngày anh chưa về nhà nghỉ ngơi mà cùng anh em trong Tổ 4 di chuyển khắp các địa điểm để xử lý cây đổ. “Ý chí quyết tâm của anh em thực sự rất cao. Ai cũng gạt chuyện riêng, dồn sức cùng đơn vị lao động xuyên đêm để sớm giải tỏa hết cây gãy, đổ trên đường phố. Chúng tôi chỉ mong sớm trả lại hình ảnh “xanh-sạch-đẹp” vốn có cho Hà Nội”, anh Lưu Bách Bẩy nói.
Tính đến nay, công tác giải tỏa cây gãy, đổ cơ bản hoàn thành, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến phố Hà Nội. Hiện các đơn vị đang tập trung vận chuyển củi gỗ về bãi tập kết, tiến hành trồng dựng lại các cây bảo đảm đủ tiêu chuẩn và an toàn.