Công nhân lao động mong muốn có nhiều sân chơi cho con em

Làm việc xa nhà, nhiều công nhân và gia đình phải thuê phòng trọ chật hẹp, thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi, không ít con em công nhân bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, ít được tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, do đó, các công nhân lao động mong muốn sẽ có thêm nhiều sân chơi cho con em mình ở các khu trọ.

Phòng trọ là không gian vui chơi chính

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động.

Đa phần công nhân lao động sống trong các khu trọ chật hẹp. (Ảnh: P.Ngân)

Đa phần công nhân lao động sống trong các khu trọ chật hẹp. (Ảnh: P.Ngân)

Công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp. Hiện tại, có khoảng trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các trường học công lập cho con công nhân lao động còn thiếu, rất ít khu nhà ở của người lao động có khu vui chơi cho trẻ em… điều đó đã gây khó khăn hơn cho người lao động.

Anh Bùi Thế Sơn, công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, cho biết hơn 12 năm qua, gia đình anh sống trong căn phòng thuê tại khu nhà cấp 4 ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Do xây dựng đã lâu nên phòng trọ chưa thực sự đảm bảo an toàn, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh khu trọ phụ thuộc vào sự tự giác, người thuê trọ tự bảo ban, nhắc nhở nhau...

Theo anh Sơn khu trọ gia đình anh đang ở với diện tích nhỏ, không có sân chơi cho trẻ em nên sau giờ tan học, phòng trọ khoảng 20m2 là nơi vui chơi chính của các con.

“Ban ngày tôi đi làm, các con thì đi học, đến chiều đón cháu về, ăn uống, tắm rửa xong, cháu thường chạy sang các phòng trọ cùng dãy để chơi với các bé khác một lúc rồi vào học bài. Vợ chồng tôi đều làm công nhân, có rất ít thời gian dành cho con, khu trọ thiếu khuôn viên vui chơi cũng thiệt thòi cho các cháu nhỏ, chúng tôi chỉ mong thu nhập khá hơn, gom góp tiền, có cơ hội tiếp cận để thuê hoặc mua căn nhà ở xã hội với giá hợp lý với thu nhập của công nhân lao động”, anh Sơn bộc bạch.

Tương tự, anh Văn Đình Vinh, công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long bộc bạch, rời quê xuống Hà Nội hơn chục năm nhưng với đồng lương công nhân, vợ chồng anh vẫn chưa đủ khả năng mua căn nhà gần nơi làm việc. Dẫu biết nơi anh đang thuê trọ không thực sự đảm bảo an toàn, thiếu không gian vui chơi cho các con nhưng vì số tiền thuê phù hợp với mức tiền mà gia đình có nên gia đình anh vẫn gắn bó với khu trọ.

“Phòng trọ gia đình tôi thuê chỉ vừa đủ sinh hoạt, không có không gian cho các con vui chơi, trong khu vực gia đình thuê trọ cách xa khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em, các em nhỏ thiếu những nhu cầu vui chơi thiết yếu”, anh Vinh chia sẻ.

Tạo điều kiện cho con em công nhân được vui chơi

Không chỉ riêng gia đình anh Sơn, anh Vinh, thiếu không gian vui chơi cho con công nhân tại các khu trọ là tình trạng chung của hầu hết công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Khu trọ chật hẹp, thiếu không gian vui chơi cho các con, nhiều gia đình công nhân thuê 2 căn phòng cạnh nhau để có nơi ở rộng rãi hơn cho các con học, vui chơi.

Khu trọ chật hẹp, thiếu không gian vui chơi cho các con, nhiều gia đình công nhân thuê 2 căn phòng cạnh nhau để có nơi ở rộng rãi hơn cho các con học, vui chơi.

Chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân lao động tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa) cho biết, công việc hiện tại của chị đang ổn định, chị không có ý định sẽ chuyển việc hay chỗ ở. Điều chị Hồng mong muốn là khu trọ có thêm sân chơi cho con em để các cháu có nơi giải trí, không bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử.

“Vợ chồng tôi đều làm công nhân, không có nhiều thời gian nên con gái thường chỉ chơi trong phòng trọ. Vợ chồng cũng hay tăng ca, nhiều lúc tan học còn phải nhờ người đón và gửi ở đó, chỉ những buổi chủ nhật không tăng ca, tôi mới có thời gian đưa con đến các khu vui chơi. Hầu như đi học về cháu ở phòng xem tivi, bày đồ chơi hoặc chỉ chơi trong góc khuôn viên phòng trọ”, chị Hồng chia sẻ.

Thời gian qua, nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng cho công nhân và tạo điều kiện để con em công nhân lao động được vui chơi, giải trí và động viên các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong học tập, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thường xuyên tổ chức những hoạt động như trao quà cho con em công nhân đạt thành tích cao trong học tập; tặng quà và tổ chức cho con em công nhân vui chơi nhân dịp tết Trung thu, Tết thiếu nhi, tặng quà cho con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi cho con công nhân lao động nhân các ngày lễ, Tết… qua đó đã tiếp thêm động lực đem lại niềm vui cho các em nhỏ, giúp công nhân lao động thêm yên tâm, tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-nhan-lao-dong-mong-muon-co-nhieu-san-choi-cho-con-em-171810.html