Điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh
Là địa chỉ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, người tàn tật, tâm thần, trẻ mồ côi, người gặp khó khăn mất hết nguồn sinh sống..., những năm qua, Trung tâm trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng (TGXH&PHCN) cho người tâm thần đã trở thành điểm tựa cho biết bao mảnh đời bất hạnh.
Với đặc thù của đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm khá đa dạng về độ tuổi, mức độ khuyết tật và bệnh lý nên công tác chăm sóc và nuôi dưỡng được quan tâm thường xuyên, chú trọng tới mọi hoạt động về ăn, ở và sinh hoạt, định kỳ tổ chức đánh giá và phân chia các nhóm đối tượng cụ thể để có căn cứ điều chỉnh phù hợp. Trung tâm đã bố trí cán bộ nấu cơm phục vụ 3 bữa/ngày, món ăn thay đổi theo tuần, đảm bảo hợp lý về dinh dưỡng, đúng khẩu phần theo mức sinh hoạt phí quy định. Ngoài ra, đơn vị còn huy động nhân lực trồng rau xanh, tăng gia chăn nuôi cải thiện đời sống cung cấp thực phẩm sạch cho bếp ăn. Do vậy, bữa ăn của đối tượng luôn được cải thiện, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, đời sống tinh thần của đối tượng được cải thiện, giúp họ có ý thức tự vận động vươn lên, khắc phục bệnh lý để hòa nhập với tập thể.
Nhiều năm gắn bó với Trung tâm, chị Nguyễn Thị Thu Huyền - cán bộ Phòng Công tác xã hội và phát triển cộng đồng thuộc tên, nắm rõ hoàn cảnh từng đối tượng điều trị ở đây. Chị Huyền chia sẻ: “Tiếp xúc, quản lý, hướng dẫn lao động trị liệu cho các đối tượng hàng ngày đối với tôi và cán bộ ở đây khá vất vả bởi tâm lý của đối tượng nhất là nữ giới bị tâm thần thường bất ổn định hơn nam giới. Việc bị các đối tượng tấn công, xé quần áo, nhổ nước bọt vào người là chuyện bình thường. Thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, chúng tôi không chỉ đồng hành, hướng dẫn các đối tượng bị bệnh tâm thần trong sinh hoạt hàng ngày mà còn giúp họ lao động trị liệu để nâng cao sức khỏe tâm thần, có cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng”.
Trung tâm hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và PHCN cho hơn 200 đối tượng. Để giúp các đối tượng dần nâng cao thể lực, tích cực tham gia lao động trị liệu, có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, đơn vị đã thực hiện tốt công tác hướng nghiệp lao động trị liệu, PHCN phù hợp tùy theo tình trạng sức khỏe tạo được sự thoải mái về tinh thần và sự ổn định cho đối tượng nhất là người tâm thần. Thông qua các nghề như: Trồng rau, chăm sóc cây dược liệu, chăn nuôi... phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý của đông đảo đối tượng, giúp họ PHCN và cải thiện sức khỏe.
Do gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, từ một người thợ mộc lành nghề, khỏe mạnh, năm 2016 gia đình buộc phải đưa anh Nguyễn Văn Nghĩa ở khu 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng vào Trung tâm TGXH&PHCN để điều trị do bị rối loạn tư duy, hành vi, xếp vào dạng khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt nặng. Qua 6 năm tích cực lao động trị liệu, đến năm 2022, anh được tái hòa nhập cộng đồng trở về với gia đình, địa phương. Khi mới về, anh vẫn mang trong mình sự mặc cảm, tự ti và nghĩ rằng sẽ khó có cơ hội làm lại từ đầu. Nhưng bằng sự cố gắng của bản thân và sự quan tâm của cán bộ Trung tâm TGXH&PHCN, chính quyền địa phương, gia đình, bà con làng xóm, anh Nghĩa đã dần ổn định cuộc sống, lao động bình thường và trở thành người có ích cho xã hội. Anh Nghĩa cho biết: “Từ khi trở về với gia đình, địa phương tôi được hưởng đầy đủ trợ cấp xã hội hàng tháng và định kỳ 6 tháng đi tái khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Hiện tôi quay lại làm nghề mộc mà trước đây tôi từng yêu thích, gắn bó và còn giúp đỡ hàng xóm các công việc thường ngày, được mọi người yêu quý, tin tưởng”. Được biết, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã có 11 đối tượng bảo trợ xã hội và 16 đối tượng tự nguyện hồi phục sức khỏe và được tái hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù công việc vất vả, luôn phải trực 24/24h, không có thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, song với đội ngũ hơn 40 cán bộ, nhân viên, Trung tâm đã sắp xếp hợp lý khoa học các bộ phận: Quản trị nuôi dưỡng, y tế phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề, đào tạo truyền thông, phát triển cộng đồng... Không những thế, Trung tâm còn liên tục cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn với các chuyên ngành phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 2021 và 2023 Trung tâm vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng Cờ thi đua; năm 2022, được Bộ trưởng LĐ,TB&XH tặng Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và Bằng khen, trở thành địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho những người yếu thế trong cộng đồng.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/diem-tua-cho-nhung-manh-doi-bat-hanh-214892.htm