Công nhân, lao động phấn khởi khi sắp tăng lương tối thiểu vùng

Nếu được thông qua, lương tối thiểu tháng theo vùng sẽ tăng 6% từ ngày 01/7/2022. Thông tin này mang lại nhiều niềm vui, sự phấn khởi cho công nhân, lao động (CNLĐ), nhất là trong thời điểm vật giá 'leo thang' như hiện nay.

Công nhân, lao động đặt nhiều hy vọng

Theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia và dự thảo tờ trình của Bộ LĐ - Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành) từ ngày 01/7/2022. Cụ thể, vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng thay cho mức lương từ 3.070.000 - 4.420.000 đồng, giữ nguyên từ đầu năm 2020 đến nay.

Công nhân, lao động phấn khởi, đặt nhiều hy vọng về tăng lương tối thiểu vùng

Công nhân, lao động phấn khởi, đặt nhiều hy vọng về tăng lương tối thiểu vùng

Ngoài lương tối thiểu tháng theo vùng, lương tối thiểu giờ theo vùng cũng được đề xuất áp dụng, tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng. Đây là lần đầu tiên dự thảo đưa loại hình lương mới này vào nhằm triển khai quy định của Bộ luật LĐ năm 2019 có hiệu lực từ tháng 01/2021. Theo đó, lương tối thiểu tháng theo vùng chủ yếu áp dụng cho LĐ làm công việc ổn định trong khu vực chính thức; lương tối thiểu giờ theo vùng thuận lợi cho việc áp dụng tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ nhằm mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm LĐ làm công việc linh hoạt, bán thời gian.

Tại Long An, các vùng được xác định như sau: Vùng II: TP.Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc; vùng III: Thị xã Kiến Tường và các huyện Đức Huệ, Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa; vùng IV: Các huyện còn lại.

Vợ, chồng đều làm CN nên khi nghe thông tin về tăng lương tối thiểu vùng, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - CN Công ty (Cty) TNHH SamDuk Việt Nam (huyện Thủ Thừa), phấn khởi. Hơn 5 năm làm việc ở Cty, trong đó gần 2 năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chị Tú gặp không ít khó khăn. “Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên với tôi, giữ được việc làm ổn định đã là may mắn hơn nhiều người nên phải nỗ lực vượt qua khó khăn.

Gần đây, cuộc sống dần ổn định hơn nhưng vật giá lại “leo thang”, tôi và chồng nuôi 2 con nhỏ nên phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng mới đủ trang trải. Những bữa cơm gia đình cũng đơn giản, chủ yếu lo sữa và bảo đảm dinh dưỡng cho các con. Bởi vậy, khi nghe thông tin tăng lương tối thiểu vùng, vợ chồng tôi vui lắm! Nếu ngày 01/7/2022 áp dụng, nguồn thu nhập chính của gia đình sẽ tăng thêm, giúp giảm áp lực về “cơm áo gạo tiền” mà vợ chồng tôi đang gồng gánh” - chị Tú chia sẻ.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Minh luôn quan tâm đời sống công nhân, lao động và ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Minh luôn quan tâm đời sống công nhân, lao động và ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Cũng như chị Tú, anh Trần Mạnh Tùng - CN Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Minh (huyện Đức Hòa), phấn khởi khi biết thông tin sẽ tăng lương tối thiểu vùng. Theo anh Tùng, việc tăng lương không chỉ giúp đời sống CNLĐ cải thiện hơn mà còn an tâm làm việc và kích thích tinh thần hăng say LĐ trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Từ đó, DN ngày càng phát triển và CNLĐ sẽ có cơ hội hưởng thêm nhiều chế độ, chính sách tốt hơn từ DN.

Nhiều doanh nghiệp đồng tình

Mặc dù dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh nhưng các DN đã và đang nỗ lực phục hồi sản xuất. Trong đó, “giữ chân” CNLĐ là một trong những nhiệm vụ mà DN đề ra để bảo đảm duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Giải pháp được các DN chú trọng thực hiện là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, đặc biệt là quan tâm chế độ tiền lương. Theo đó, trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, từ ngày 01/7/2022, nhiều DN đồng tình, ủng hộ, nhằm giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho CNLĐ.

Luôn quan tâm, chăm lo đời sống và các chế độ cho CNLĐ nên Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Minh hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, từ ngày 01/7/2022. Được biết, hàng năm, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Minh luôn có chính sách tăng lương cho CNLĐ, đặc biệt 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Cty vẫn duy trì chính sách này.

Theo đó, việc tăng lương được tính theo thành tích làm việc của CNLĐ, không phân biệt CNLĐ lâu năm hay CNLĐ mới. Thành tích làm việc được tính theo xếp loại đánh giá A, B, C để làm căn cứ mức lương tăng tương ứng cho từng loại. Theo đó, năm 2022, Cty đã áp dụng chính sách tăng lương cho tất cả CNLĐ. Tuy nhiên, vật giá ngày càng tăng làm mức sống CNLĐ trên địa bàn huyện công nghiệp tăng nên Cty rất ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.

Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Minh - Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Với Cty, CNLĐ là “tài sản” lớn nhất, có CNLĐ mới có Cty. Nếu CNLĐ không bất an, lo lắng về kinh tế gia đình và có thu nhập tốt, ổn định thì mới an tâm làm việc, cống hiến sức mình, tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, mang lại doanh thu cho Cty. Do vậy, Ban Giám đốc Cty rất quan tâm về các chế độ tiền lương, chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ.

Trước tình hình giá cả các mặt hàng tăng mạnh như hiện nay, Ban Giám đốc Cty cũng có cuộc họp đưa ra các đề xuất bảo vệ lợi ích cho CNLĐ. Theo đó, nếu việc tăng lương tối thiếu vùng chưa được áp dụng vào ngày 01/7/2022, Cty sẽ có chế độ phụ cấp trượt giá cho tất cả CNLĐ của Cty. Có thể thấy rằng, Cty rất ủng hộ việc tăng lương tối thiểu vùng nhằm bảo đảm quyền lợi của CNLĐ”.

Tăng lương tối thiếu vùng cũng là giải pháp giữ chân lao động tại doanh nghiệp

Tăng lương tối thiếu vùng cũng là giải pháp giữ chân lao động tại doanh nghiệp

Cty TNHH Hòa Thành Long An (huyện Bến Lức) cũng đồng tình, ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Theo Phó Giám đốc Cty TNHH Hòa Thành Long An - Trần Hoàng Khiêm, nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được thông qua, Cty sẽ thực hiện tăng lương theo đúng quy định. Việc tăng lương này cũng là giải pháp hiệu quả trong việc “giữ chân” và thu hút LĐ cho các DN.

Được biết, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh sau 1 năm thực hiện, tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 nên việc tăng lương tối thiểu vùng bị trì hoãn. Lương tối thiểu vùng hiện tại không còn phù hợp với mức sống hiện nay, đặc biệt là CNLĐ. Do vậy, trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022, CNLĐ phấn khởi và đặt nhiều niềm tin, hy vọng./.

Khi nghe thông tin tăng lương tối thiểu vùng, vợ chồng tôi vui lắm! Nếu ngày 01/7/2022 áp dụng, nguồn thu nhập chính của gia đình sẽ tăng thêm, giúp giảm áp lực về “cơm áo gạo tiền” mà vợ chồng tôi đang gồng gánh”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - công nhân Công ty TNHH SamDuk Việt Nam

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cong-nhan-lao-dong-phan-khoi-khi-sa-p-tang-luong-toi-thieu-vung-a136094.html