Công nhân lo phải nghỉ Tết sớm
Thay vì phải lo tăng ca và sẽ phải nghỉ Tết muộn như mọi năm thì năm nay, nhiều công nhân, lao động lại lo phải nghỉ sớm vì mất việc.
Thông thường, thời điểm cuối năm doanh nghiệp đôn đáo tìm lao động để phục vụ đơn hàng Tết thì năm nay lại dừng tuyển dụng. Nghịch lý này không chỉ diễn ra ở các tỉnh phía Nam mà ngay tại Hải Dương cũng bắt đầu xảy ra tình cảnh tương tự. Nguyên nhân do đơn hàng ít, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc ngừng tăng ca, cho lao động nghỉ việc luân phiên.
Ngừng tuyển dụng
“Sáng nay quản lý nhân sự công ty em đã gửi tin nhắn đến từng nhóm sản xuất yêu cầu thắt chặt kỷ luật làm việc. Quản lý giải thích kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt đầu cắt giảm nhân sự nên nhắc nhở người lao động (NLĐ) biết trân trọng công việc”. “Công ty chỗ em cũng ngừng tăng ca rồi. Doanh nghiệp còn dự kiến cắt giảm nhiều lao động. Năm nay sợ phải về quê ăn Tết sớm, không ai muốn nghỉ Tết kiểu này".
Đây là chia sẻ của 2 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH PHI ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) và Công ty TNHH May Tinh Lợi ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành). Sau dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy giảm, thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, đơn hàng ít nên nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực.
Ông Ngô Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh đã ngừng tuyển dụng lao động từ vài tháng trước. Một số doanh nghiệp trước đây liên tục tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn như các Công ty TNHH May Tinh Lợi, Công nghiệp Brother Việt Nam cũng đã ngừng tuyển dụng từ 1-2 tháng nay. Các Công ty TNHH Aiden Việt Nam, Sumidenso Việt Nam tuyển rất ít và cầm chừng. Theo ông Đạo, đây không phải quy luật thường thấy của thị trường lao động cuối năm.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 10 toàn tỉnh có gần 1.200 người đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 30% so với tháng trước. Số lao động nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu rơi vào những người được ký hợp đồng không xác định thời hạn hoặc được ký trong thời gian từ 12-36 tháng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng thực sự phải cắt giảm cả những người đã nhiều năm gắn bó. Trong đó NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lắp ráp, may mặc bị cắt giảm nhiều. Một số doanh nghiệp đã ngừng tăng ca, giảm giờ làm hoặc cho lao động nghỉ việc luân phiên, sử dụng hết phép năm.
Đại diện Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết kinh tế toàn cầu khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên đơn hàng của doanh nghiệp thời điểm này đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Ban đầu doanh nghiệp dự kiến cắt giảm khoảng 1.000 NLĐ nhưng hiện tại thời gian làm việc ít, thu nhập thấp hơn trước nên không ít NLĐ đã tự nghỉ việc. “Doanh nghiệp đang cố gắng tìm giải pháp để có đủ việc làm cho hơn 17.000 lao động hiện tại, không để họ phải mất việc trước Tết”, người này cho biết.
Hỗ trợ người lao động
Lo lắng công ty cắt giảm nhân sự vì thiếu đơn hàng, chị Lường Thị Văn, công nhân có thâm niên 10 năm làm việc ở một doanh nghiệp lắp ráp linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) tranh thủ thời gian nghỉ ca ngày đến Trung tâm Dịch vụ việc làm-Giáo dục nghề nghiệp tỉnh tìm kiếm công việc mới. “Tôi không muốn làm như vậy nhưng nghe nói có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty thời gian tới nên chủ động tìm việc trước. Nhà tôi ở Hà Giang, những năm trước sợ phải tăng ca về quê ăn Tết muộn thì năm nay lại lo phải về sớm vì mất việc", chị Văn nói.
Những trường hợp như chị Văn khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm-Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương sẽ được tư vấn tìm công việc mới phù hợp hoặc học nghề miễn phí. Ông Ngô Văn Đạo cho biết thêm không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn và phải cắt giảm nhân sự thời điểm này. Thực tế hiện nay vẫn có doanh nghiệp tuyển dụng như các Công ty TNHH ATSK Vina (ở TP Hải Dương), Pretll Việt Nam (ở khu công nghiệp Đại An), EDUEN Vina (ở khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng)… Tuy các doanh nghiệp này tuyển dụng không nhiều bằng thời điểm trước nhưng cũng là cơ hội cho nhiều lao động. Đối với những lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đơn vị sẽ hỗ trợ làm thủ tục nhanh gọn theo quy định. Theo ông Đạo, hiện nay trung tâm đang cố gắng thực hiện tốt kết nối cung cầu lao động để những nơi thừa lao động có thể cung ứng cho những doanh nghiệp đang có nhu cầu, giúp NLĐ bớt thiệt thòi.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, tình hình kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp trong tỉnh phải cắt giảm nhân sự là có thật. Để bảo đảm quyền lợi NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu đại diện công đoàn của các doanh nghiệp giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi NLĐ kịp thời, nhất là chế độ lương thưởng cuối năm, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp sa thải NLĐ nhưng vẫn nợ lương, thưởng. “Thời điểm này cả NLĐ và doanh nghiệp nên cùng hỗ trợ và chia sẻ cùng nhau. Doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ NLĐ nghỉ việc một cách tốt nhất, sẵn sàng nhận họ trở lại làm việc. Ngược lại thời điểm này khi còn đơn hàng, còn việc làm nên NLĐ cũng cần tuân thủ nghiêm nền nếp sản xuất, tăng năng suất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển”, ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh nói.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/cong-nhan-lo-phai-nghi-tet-som-219847