Công nhân mong có nhiều đơn hàng, tăng ca dịp cuối năm
Trong bối cảnh doanh nghiệp giảm đơn hàng, những xóm trọ công nhân bớt nhộn nhịp, cảnh người lao động hối hả ngược xuôi sau giờ tăng ca ít dần.
Nhiều người trong số họ chỉ mong mai vẫn có công việc để nuôi bản thân và gia đình.
Đời sống khó khăn
Trong dãy nhà trọ hun hút khoảng 30 phòng khép kín ở gần KCN Khắc Niệm (TP Bắc Ninh), nhiều công nhân tranh thủ nấu cơm, tắm rửa cho bữa tối cuối ngày. Chị Oanh, quê Nghệ An, thoăn thoắt nhặt mớ rau mới mua ở chợ. Trong khi đó, Phượng, cô gái chỉ mới ngoài đôi mươi, quê Thanh Hóa, đang xào chút thịt để hai chị em ăn cơm. Mới rời quê xuống đây làm, cả hai xin làm công nhân thời vụ. Dạo này, công ty ít đơn hàng, hai cô gái chỉ làm 8 tiếng/ngày và khó được tăng ca.
Phượng kể, trước đây có xin đi làm nhiều nơi, nhưng ở quê ít việc, lương ít nên nghe người quen giới thiệu, xuống Bắc Ninh làm công nhân. Khi đó, cô chỉ có vài triệu đồng lộ phí đi đường, sinh hoạt, nếu không xin làm thời vụ thì không có tiền trả nhà trọ, ăn uống.
“Tôi nghe nói sau dịch bệnh, công việc bấp bênh. Trước đây, công ty nào cũng cần người để hoàn thành đơn hàng. Đợt này công ty ít việc, không tăng ca nên lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, ngoài tiền ăn, còn tiền xăng, phát sinh mua cái này, mua cái kia, tôi chưa tiết kiệm được đồng nào để chuẩn bị hơn tháng nữa là cận Tết”, Phượng chia sẻ.
Theo nữ công nhân, tiền phòng ở khu vực này khoảng 800.000 - 900.000 đồng/tháng chưa tính điện nước, chi phí phát sinh. Mỗi tháng, Phượng và Oanh chia nhau khoảng 1,5 triệu đồng. Do khó khăn, cả hai đành chấp nhận làm công việc thời vụ, chờ các công ty làm ăn tốt lên để xin việc dài hạn. Cũng vì làm thời vụ, các công nhân này chỉ có tiền lương, phụ cấp vài trăm nghìn, trong khi nếu làm chính thức có thêm thâm niên, đóng bảo hiểm xã hội.
“Tôi chỉ mong các công ty có nhiều đơn hàng, nhiều việc để chúng tôi được tăng ca, có thêm thu nhập. Nhiều việc, các công ty cũng sẽ xem xét tuyển người lâu dài, đóng bảo hiểm xã hội để yên tâm đi làm”, Oanh bày tỏ.
Trong khi đó, anh Tuấn (30 tuổi), công nhân dài hạn tại một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện thoại, hồ hởi kể so với nhiều đồng nghiệp vì vẫn được tăng ca đều, thu nhập tốt. Làm ở Bắc Ninh được 4 năm, lương cơ bản chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng tăng ca, phụ cấp nữa thì Tuấn có thu nhập khá, từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Theo Tuấn, tiền thuê trọ, ăn uống chi tiêu, mỗi tháng Tuấn tiết kiệm được 3 triệu đồng gửi về quê để dành cưới vợ.
Cách đó không xa, chị Hà (38 tuổi), quê Thanh Hóa, đang tranh thủ nấu bữa cơm tối. Chị kể do con gái học đại học, ở quê không có nhiều việc, chị đành theo lời người bà con ra ngoài này tìm việc. Gần một tháng nay, một số công ty có đơn hàng, tuyển thêm công nhân thời vụ, chị cũng tranh thủ xin việc để có đồng ra đồng vào. “Mình không còn trẻ nên có việc là tốt rồi. Nhiều người nói đợt này kinh tế khó khăn, các công ty ít tuyển người. Mình chỉ mong họ nhiều đơn hàng, biết đâu tuyển mình vào làm chính thức”, chị Hà bày tỏ.
Do làm công nhân thời vụ, chị chỉ kiếm được mức lương hơn 5 triệu đồng. Số tiền này trở nên nhỏ bé khi tiền trọ và điện nước đã hơn 1 triệu đồng. Hằng ngày, chị Hà dành ra mươi phút tính toán các khoản chi tiêu: Tiền ăn, tiền ở, xăng xe, tiền gửi về quê trả nợ xây nhà và đóng học cho con.
“Mình được công ty cho ăn một bữa nên cũng đỡ. Tối về, mình nấu ít rau, đậu, ít lạc rang cho ấm bụng. Thi thoảng dư chút mình cũng mua thêm thịt cá để ăn cho lại sức…”, nữ công nhân cho hay.
Ước muốn được thuê, mua nhà ưu đãi
Trong một con ngõ nhỏ trong xóm trọ gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chị Huyền (33 tuổi, quê Ba Vì) cho hay, làm công nhân lâu năm nhưng lương chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền nuôi con, ăn uống, thì nặng nhất vẫn là tiền nhà với điện nước. “Giá cả đắt đỏ nên mình phải tính toán, dành dụm để tiết kiệm. Gần Tết, ngoài tiền nhà cố định từ đầu năm, mua cái gì cũng thấy tăng, từ gói gia vị, mớ rau cho tới cân thịt. Mà không mua thịt cá ăn vào thì không đủ sức khỏe làm việc. Trước mua một đồng một cân thịt thì nay phải đồng tư, đồng rưỡi”, chị Huyền bộc bạch.
Chị Huyền và con gái nhỏ tranh thủ nấu cơm để chờ chồng đi làm về. Căn nhà nhỏ của ba người chỉ có vài tài sản giá trị là chiếc tivi, cái tủ lạnh trữ đồ ăn, chiếc máy giặt đời cũ và mấy chiếc điện thoại vừa để nghe gọi vừa để con gái học tiếng Anh online. Dù thời tiết Hà Nội đang lạnh sâu, nhưng vì sợ bám mùi nấu ăn, chị Huyền vẫn phải mở tung cửa nhà, cửa sổ để khói bay đi.
Được hỏi về ngôi nhà mơ ước, chị Huyền chỉ mong đó là căn phòng rộng khoảng 60, 70m2, rộng rãi với 2 phòng ngủ, một của con cái, một của bố mẹ, có căn bếp và chỗ phơi quần áo riêng. “Con gái lớn cũng cần không gian riêng, mình cũng muốn có không gian riêng tư với chồng”, chị nói.
Mong có cái Tết… không lạnh
Chị Hiền, 27 tuổi, lao động tại Bắc Giang bày tỏ, lương hiện tại ở tỉnh này đang thấp hơn một số nơi. Chị hi vọng cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất có chính sách tiền lương tốt hơn cho công nhân địa phương để đảm bảo cuộc sống, cũng như hỗ trợ gia đình.
Mới đây, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước. Cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước kiến nghị, đề xuất Đảng, Nhà nước 8 vấn đề lớn. Trong đó, có kiến nghị và đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Cụ thể, cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 cho công nhân.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động. Huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án Một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.