Công nhân mong 'đi làm đủ sống', có tích lũy phòng khi mất việc

Bức xúc của phần lớn người lao động vẫn là vấn đề bảo đảm việc làm, thu nhập, cuộc sống hàng ngày. Công nhân cũng mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu; đi làm phải đủ sống và có tích lũy phòng khi bị giảm hoặc mất việc…

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ về kết quả khảo sát về nguyện vọng của người lao động. Ảnh - Hải Nguyễn.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ về kết quả khảo sát về nguyện vọng của người lao động. Ảnh - Hải Nguyễn.

Thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm Chỉ số hài lòng về cuộc sống (chỉ số hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức chiều 3/3.

Để xác định mức độ hài lòng của đoàn viên công đoàn đối với cuộc sống (chỉ số hạnh phúc), cũng như nhận diện những nhu cầu, nguyện vọng chủ yếu của đoàn viên công đoàn hiện nay, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, đơn vị này đã tiến hành một cuộc khảo sát với khoảng 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh, ngành (chiếm 19,5% tổng số tỉnh, ngành cả nước).

Kết quả cho thấy rằng, các chỉ số được người lao động đánh giá mức độ hài lòng thấp thuộc những vấn đề mà nhiều lao động phản ánh còn nhiều khó khăn, nhưng lại rất thiết thân với cuộc sống như: Nhà ở; trường học; bệnh viện; giao thông; tình trạng sức khỏe và khoảng thời gian rỗi dành cho nghỉ ngơi và giải trí.

Đặc biệt, những chỉ số có mức độ hài lòng rất thấp đều liên quan đến các vấn đề rất khó khăn, bức xúc của phần lớn người lao động là bảo đảm việc làm, thu nhập, cuộc sống hằng ngày như: Mức thu nhập; số tài sản, tiền bạc tích lũy được; dịch vụ việc làm ở địa phương; tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Về những yếu tố liên quan đến việc làm, khảo sát cũng cho thấy, công nhân lao động mong muốn cao về các nội dung: Được chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương, phúc lợi tập thể; không bị chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc, nghỉ việc bất công; có việc làm, giữ được việc làm ổn định; được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, được làm việc ở vị trí cao hơn.

Về những yếu tố liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động, quan hệ lao động và an sinh xã hội, công nhân lao động thể hiện mong muốn cao về các nội dung: Được tham gia đầy đủ các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (77%); được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động (65%); có chế độ trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đầy đủ (64%); nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu (54%); đi làm phải đủ sống và có tích lũy phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm (52%)...

Về những yếu tố liên quan đến cuộc sống, công nhân mong muốn: Địa phương có các cơ sở giáo dục, y tế công lập: nhà giữ trẻ, trường học, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh… thuận tiện; có đời sống văn hóa, tinh thần tốt; được làm gần nhà, gần vợ chồng, con, bố mẹ; điện, nước sinh hoạt đầy đủ với giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động; có nhà riêng; có thời gian nghỉ ngơi, giải trí sau giờ làm việc ở doanh nghiệp. Họ cũng mong muốn khi khó khăn được vay tiền với lãi suất theo quy định của Nhà nước…

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh - Hải Nguyễn.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh - Hải Nguyễn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, dù được cải thiện song cuộc sống của người lao động hiện nay còn nhiều khó khăn. Ông Hải nhớ lại cuộc làm việc mới đây với công nhân lao động, khi được hỏi về tài sản lớn nhất là gì, thì công nhân trả lời đó chính là sổ bảo hiểm xã hội. “Điều này có thể lí giải tại sao công nhân cứ gặp khó khăn là cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, thậm chí họ bán sổ bảo hiểm để lấy chi phí trang trải cuộc sống, bởi đây là nguồn tiền lớn nhất, cũng là giá trị nhất đối với người công nhân”, ông Hải nhấn mạnh.

Trước thực tế này, ông Hải cho rằng, hoạt động của công đoàn thời gian tới cần đặt ưu tiên vào những lĩnh vực lớn có tác động đến mức độ hài lòng của người lao động về các yếu tố kinh tế, trọng tâm là vấn đề tiền lương, thu nhập tích lũy tài chính của đoàn viên, cũng như những dịch vụ xã hội cần thiết. “Vấn đề này không thể xem nhẹ, thậm chí đã đến lúc cần quan tâm một cách toàn diện và có hệ thống hơn”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định.

Bên cạnh quan tâm đến đời sống, thu nhập, vấn đề đào tạo cho người lao động cũng cần được chú trọng, Theo ông Hải, qua 5 năm, từ năm 2018 – 2023, tỷ lệ người lao động trong hệ thống doanh nghiệp có tổ chức công đoàn được đào tạo bài bản bình quân mỗi năm rất thấp, song đáng chú ý là thu nhập của những lao động này so với những lao động giản đơn ngày càng có khoảng cách xa. Nghĩa là khi được học hành đàng hoàng, được đào tạo kỹ năng nghề thì lương càng cao, trong khi xã hội đang rất thiếu nguồn lao động này.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-nhan-mong-di-lam-du-song-co-tich-luy-phong-khi-mat-viec.htm