Công nhân muốn rút BHXH một lần vì khó chờ lương hưu

Ngoài đề xuất giữ nguyên phương án rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hầu hết ý kiến yêu cầu khi xây dựng chính sách nhà ở, nhà lưu trú cần mở rộng đối tượng là công nhân ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp.

Chiều 6/5, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đơn vị số 7, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri công nhân lao động tại địa bàn quận 7.

Buổi tiếp xúc tập trung vào ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, công nhân Nguyễn Tấn Thông (làm việc tại Công ty TNHH Mitek Việt Nam) cho rằng, tại dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, chỉ các đối tượng làm việc trong các khu chế xuất-công nghiệp được hưởng chính sách này là chưa phù hợp. Anh Thông kiến nghị: "Luật cần bổ sung thêm đối tượng là công nhân ngoài các khu chế xuất-công nghiệp được hưởng chính sách về nhà ở, vì công nhân nào cũng có nhu cầu như nhau”.

Ngoài ra, theo công nhân này, việc xác định giá nhà cho thuê, nhà lưu trú phải phù hợp với thu nhập và mức sống của công nhân.

Cử tri công nhân lao động tại quận 7, TP.HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc

Cử tri công nhân lao động tại quận 7, TP.HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc

Nhiều công nhân cũng đồng tình với ý kiến trên, bởi theo họ, chính sách về nhà ở không nên phân biệt công nhân trong hay ngoài khu chế xuất-công nghiệp.

Một số công nhân khác đề xuất, trong Luật BHXH cần giữ nguyên việc cho rút BHXH một lần (phương án 1), thay vì rút tối đa không quá 50% (phương án 2).

Công nhân Lê Xuân Hà cho rằng, nhiều người chọn phương án rút BHXH một lần, còn phương án rút tối đa không quá 50%, khả năng người lao động sẽ không đồng tình, vì đây là tài sản của họ.

Đề nghị được rút BHXH một lần cũng được nhiều ý kiến khác đồng tình, theo các công nhân, họ khó chờ tới lương hưu, bởi trong điều kiện thu nhập thấp, rút BHXH là cứu cánh cho cuộc sống thực tế.

Trao đổi lại các ý kiến của công nhân, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đi thẳng vào ý kiến “rút BHXH một lần”.

Theo ông Lâm, về mặt quan điểm, không có vấn đề gì lớn trong phương án này. “Chúng tôi rất chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của người lao động, khi xem BHXH như là một tài sản cần thiết trong điều kiện không có nguồn tiền khác để xử lý. Chúng tôi sẽ tiếp thu các kiến nghị này gửi Đoàn ĐBQH để có ý kiến với các bộ, ngành liên quan”, ông Lâm chia sẻ.

Về vấn đề hỗ trợ tiền nhà trọ, ông Lâm cho biết, dù Nghị quyết 08 của Chính phủ (hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân) đã kết thúc, nhưng TP.HCM không dừng lại mà đã có ý kiến với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ lâu dài hơn.

Phát triển nhà ở phù hợp với từng đối tượng

Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tình hình kinh tế thời gian qua, nhất là trong quý I/2023, thành phố gặp nhiều khó khăn và thử thách. Các khó khăn đó ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động.

Ông đơn cử là đơn hàng giảm, nhiều công nhân bị ngừng việc, mất việc, kéo theo thu nhập giảm. Do đó, việc đồng hành với doanh nghiệp, công nhân lao động hơn bao giờ hết là những chính sách cần làm ngay của thành phố.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với cử tri là công nhân lao động trên địa bàn quận 7

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với cử tri là công nhân lao động trên địa bàn quận 7

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, trong ảnh hưởng của đại dịch, thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nhất là công nhân lao động.

“Tuy nhiên, các chính sách vừa qua là linh động theo tình hình, triển khai cục bộ, chưa hình thành chính sách. Do đó, thành phố sẽ nghiên cứu, để hình thành chính sách chung, phù hợp với tình hình lâu dài hơn”, ông Mãi khẳng định.

Ông Mãi nhận định, hiện công nhân, người lao động gặp khó khăn vì thu nhập giảm, thành phố đã có chương trình bình ổn giá để hỗ trợ. Tuy nhiên, các cấp - ngành, nhất là Liên đoàn Lao động TP cần sâu sát hơn tại các chương trình “chợ công nhân”, đem hàng đến các khu chế xuất-công nghiệp, phục vụ công nhân với giá cả phù hợp hơn.

Liên quan đến nhu cầu nhà ở, theo ông Mãi, trong tổng thể nhu cầu, vấn đề mua nhà ở chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nhu cầu thuê nhà trọ, nhà lưu trú.

Do đó, trong chương trình phát triển nhà ở, thành phố xem xét đến việc xây dựng đáp ứng nhu cầu của từng nhóm người cụ thể.

“Chính phủ giao cho TP.HCM phát triển khoảng 69 nghìn căn nhà trong chương trình 1 triệu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thành phố đã chốt việc xây dựng cao hơn, với 83 nghìn căn”, ông Mãi thông tin.

Việc triển khai xây dựng dựa trên nhu cầu của các nhóm đối tượng, không phải triển khai đại trà.

Trong đó, sẽ rà soát các quỹ đất dôi dư gần các khu chế xuất-công nghiệp để phát triển nhà ở, nhất là nhà cho thuê, nhà lưu trú cho công nhân.

Về nhóm vấn đề tín dụng, theo ông Phan Văn Mãi, thành phố đã làm việc với hệ thống ngân hàng, để có những chính sách phù hợp với điều kiện vay của công nhân lao động.

“Cần phát triển các chính sách vay vốn cho công nhân, tránh việc công nhân phải vay tín dụng đen, vướng vào các khó khăn ngoài xã hội”, ông Mãi yêu cầu.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nhan-muon-rut-bhxh-mot-lan-vi-kho-cho-luong-huu-2140098.html