Công nhận năm di tích, TP.HCM không quên ơn tiền nhân

Việc xếp hạng năm di tích có mặt ở đất Sài Gòn từ thế kỷ 19 như một lời biết ơn tiền nhân để bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Ngày 31-12-2019, tại trụ sở Sở VH&TT TP.HCM, UBND TP.HCM cùng Sở VH&TT TP.HCM đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp TP cho năm di tích trên địa bàn TP.HCM.

Năm di tích gồm: Nhà thờ Thủ Thiêm, tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THCS Võ Trường Toản và di tích lăng Võ Tánh.

Từ di tích thấy được lịch sử Sài Gòn trăm năm

Tất cả năm di tích được xếp hạng lần này đều có mặt trên đất Sài Gòn từ nửa đầu thế kỷ 19.

Tại buổi lễ trao bằng, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đã có lời chúc mừng đến đại diện năm địa danh được xếp hạng di tích.

Ông Liêm cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của năm di tích với lịch sử mảnh đất Sài Gòn - Gia Định và nay là TP.HCM.

“Với TP.HCM, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được hình thành trong suốt quá trình khai phá, xây dựng và phát triển của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM, là một bộ phận của văn hóa Việt Nam, là tài sản, là nguồn lực trong quá trình hội nhập và phát triển.

Qua tìm hiểu di tích có thể nhận ra trình độ phát triển trong quá khứ, tìm thấy lịch sử văn hóa, vật chất và tinh thần của hàng trăm năm. Nhận thức được giá trị to lớn của di tích lịch sử văn hóa, TP luôn quan tâm công tác chỉ đạo, lập hồ sơ, xếp hạng di tích để giữ gìn, phát huy giá trị di tích trong công cuộc xây dựng và phát triển TP. Tính đến ngày 31-12-2019, trên địa bàn TP có 177 di tích được xếp hạng” - ông Liêm cho biết.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho đại diện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho đại diện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Thỏa ước mơ của người dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngay sau buổi lễ trao bằng xếp hạng di tích, linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, chia sẻ: “Niềm vui của Tổng giáo phận TP.HCM không phải bắt đầu từ hôm nay, mà bắt đầu từ ngày 21-3-2019. Ngày đó, Ban Dân vận Thành ủy đến tòa tổng giám mục gặp Đức cha Đỗ Mạnh Hùng và tôi để báo tin lãnh đạo TP, mà cụ thể là Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã quyết định giữ lại hai cơ sở nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, không giải tỏa. Đó là nguyện vọng, ước mơ của cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận TP.HCM. Cũng có lúc chúng tôi âu lo với ước mơ này nên khi biết tin đó, chúng tôi rất vui. Chúng tôi thay mặt Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng cám ơn lãnh đạo TP đã có một quyết định hợp tình hợp lý, tốt đẹp như vậy. Quyết định đó đáp ứng tâm tư nguyện vọng của giới Công giáo TP này. Và đặc biệt, chúng tôi biết ơn ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân”.

“Chúng tôi vui và hãnh diện khi những cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm trở thành di tích. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề khi phải giữ gìn nó tốt” - linh mục Vincent Nguyễn Văn Hồng, Chánh xứ Giáo xứ Thủ Thiêm.

“Mỗi người sẽ cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn, làm sao cho di tích còn đẹp, bền vững. Bên Thủ Thiêm chúng tôi cũng đã trao đổi nhau nhiều, làm sao giữ hồn, ký ức cho thế hệ tương lai mà vẫn tôn vẻ đẹp, hài hòa với cảnh quan khu đô thị mới Thủ Thiêm” - linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân nói.

Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân cũng cho biết thêm: Khi hai cơ sở di tích Công giáo ở Thủ Thiêm có tu sửa, xây dựng gì thì tòa tổng giám mục lẫn Tổng giáo phận TP.HCM sẽ hết lòng.

Trừ di tích lăng Võ Tánh, bốn di tích còn lại đều ít nhiều gắn với lịch sử Công giáo Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Ngoài nhà thờ Thủ Thiêm, tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trước đây chính là Trường Lasan Taberd của các sư huynh dòng Lasan. Trường THCS Võ Trường Toản cũng được xây dựng trên phần đất của Trường D’Adran (École des frères Adran), do các giáo sĩ Hội Giáo sĩ truyền đạo nước ngoài Paris (thường gọi là Hội Thừa sai Paris) thành lập.

Bốn di chỉ của Công giáo được công nhận di tích lần này không đơn thuần chỉ mang tính tôn giáo, mà nó là lịch sử, văn hóa của mảnh đất Sài Gòn.

TP.HCM chọn chủ đề phát triển năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Việc cùng chung tay bảo tồn những giá trị còn hiện hữu như năm di tích vừa công nhận mang ý nghĩa lớn.

Thông tin năm di tích TP vừa công nhận

1. Nhà thờ Thủ Thiêm (số 58, khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2)

Tháng 4-1859, Họ đạo Thủ Thiêm thành lập. Năm 1865, nhà thờ Thủ Thiêm đầu tiên được dựng theo hình thánh giá với kết cấu cột gỗ, tường gạch và mái ngói. Năm 1953, linh mục Paulus Huỳnh Ngọc Tiên khởi công trùng tu công trình thánh đường và khánh thành vào năm 1956.

2. Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (số 76, khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2)

Đầu năm 1840, các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh giá đã đến cư ngụ ở Thủ Thiêm và xin lập tu viện của hội dòng tại đây. Từ năm 1959 đến 1974, hội dòng xây dựng hai ngôi nhà có gác để các nữ tu có thể đến cầu nguyện.

3. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (giáp ba mặt đường: Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng. 20 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1)

Năm 1874, linh mục Henri de Kerlan thành lập Trường Taberd. Năm 1889, các sư huynh dòng Lasan từ Pháp sang nuôi dạy và dần tiếp nhận công việc quản lý trường. Sau năm 1975, nơi đây chuyển thành Trường Trung học Sư phạm TP.HCM. Năm 2000, thành lập thành Trường THPT Trần Đại Nghĩa và trở thành trường chuyên.

4. Trường THCS Võ Trường Toản (11 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1)

Trường vốn là một phần của Trường D’Adran (École des frères Adran), do các giáo sĩ Hội Giáo sĩ truyền đạo nước ngoài Paris (thường gọi là Hội Thừa sai Paris) thành lập. Sau năm 1955 trở thành Trường nam Trung học Võ Trường Toản. Sau năm 1975, trường tiếp tục sử dụng tên Trường Võ Trường Toản.

5. Lăng Võ Tánh (19 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận)

Đây là lăng của danh tướng Võ Tánh. Ông cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp được xưng tụng là một trong “Gia Định tam hùng”. Ông được vua Gia Long truy tặng tước Quốc công, vua Minh Mạng truy phong tước Hoài Quốc công. Kiến trúc lăng mộ đặc trưng của mộ cổ vùng Nam bộ, là kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/cong-nhan-nam-di-tich-tphcm-khong-quen-on-tien-nhan-881018.html