Công nhân nhận tiền trợ cấp mất việc: Trong thảm họa vẫn bị đánh thuế?
Theo các chuyên gia, việc đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10% đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc của những lao động bị mất việc bởi dịch COVID-19 xét về quy định là đúng, nhưng trong bối cảnh này, ngành Thuế cần xem xét lại, nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động bất đắc dĩ bị mất việc.
Xót vì bị thu thuế 10%
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cty PouYuen Việt Nam (Bình Tân, TP HCM) buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm việc làm với gần 3.000 công nhân. Ngoài những khoản trợ cấp theo quy định, Cty PouYuen Việt Nam chi trả thêm cho mỗi công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động một khoản hỗ trợ theo mức mỗi năm làm việc 1 tháng lương.
Khi nhận trợ cấp, nhiều công nhân bị mất việc bất ngờ được thông báo phải “khấu trừ thuế TNCN 10%”. Chị Lê Thị T. (Nghệ An) cho biết, chị có 18,5 năm làm việc ở Cty PouYuen Việt Nam, với mức lương bình quân 6 tháng gần nhất là 10.488.900 đồng.
Với số năm làm việc này, chị được công ty trợ cấp 194.044.650 đồng. Tuy nhiên, do số tiền trợ cấp công ty trả cao hơn so với quy định của pháp luật 154.711.275 đồng nên chị bị trừ thuế TNCN 10% (15.471.128 đồng).
“Chúng tôi cũng không mong bị mất việc để nhận khoản hỗ trợ này, nhưng trong lúc khó khăn, số tiền này là một khoản không nhỏ đối với tôi. Nếu không xin được việc, số tiền này có thể giúp gia đình trang trải được trong 3 tháng”, chị T. chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị M. với thâm niên 15 năm làm việc cũng nhận được gần 200 triệu đồng tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, chị M cũng bị trừ khoảng 18 triệu đồng tiền thuế TNCN cho khoản hỗ trợ của công ty. “Đời công nhân, đây là lần đầu tiên tôi nhận được khoản tiền này. Nhìn số tiền thuế bị khấu trừ, tiếc đứt ruột”, chị M nói.
Với mức trợ cấp bình quân 60-70 triệu đồng/người, thấp nhất là 3 triệu đồng/người, cao nhất 300 triệu đồng/người, số tiền mà công nhân Cty PouYuen Việt Nam phải đóng thuế TNCN từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Trên nhóm Facebook của công nhân Cty PouYuen Việt Nam, nhiều công nhân vì bị trừ khoản tiền lớn đã phản ứng với quyết định của công ty. Các ý kiến của công nhân đều bày tỏ nên có điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với đời sống công nhân.
Tại Công ty Taekwang Vina (Biên Hòa, Đồng Nai) với “Chương trình hỗ trợ nhân Tháng công nhân 2020” người nhận hỗ trợ cũng chịu trung cảnh bị thu thuế với tiền hỗ trợ. Cụ thể, những công nhân nhận trợ cấp nghỉ việc trong tháng 5 cũng bị khấu trừ 10% thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ từ công ty.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Cty PouYuen Việt Nam cho biết, trước khi thực hiện, công ty cũng có trao đổi với Cục Thuế TP.HCM. Số tiền khấu trừ thuế TNCN 10% này công ty sẽ nộp cho ngành Thuế. Nếu sau khi giảm trừ gia cảnh, công nhân sẽ được hoàn lại.
Dù được đại diện công ty và Công đoàn của công ty giải thích nhưng nhiều công nhân vẫn không đồng tình và cho rằng, công ty khấu trừ thuế 10% như vậy là sai, đã “trợ cấp thôi việc thì công nhân không phải đóng thuế”.
Chờ ý kiến cấp có thẩm quyền
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 là thảm họa toàn cầu, xảy ra không thể lường trước. Do vậy, các chính sách, quy định của pháp luật cũng phải phù hợp với điều kiện của dịch bệnh, không nên máy móc áp dụng như điều kiện bình thường.
Theo bà Ngân, việc Cty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho công nhân nghỉ việc là hậu quả không mong muốn của DN. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho công nhân thêm một tháng lương/năm làm việc là thể hiện sự tri ân của công ty.
“Đây không phải là phần thưởng và cũng không phải là thu nhập tăng thêm thường xuyên của công nhân. Đây là khoản thu nhập mà người lao động phải đánh đổi cả cuộc đời làm việc của mình. Dù được công ty hỗ trợ nhưng phải nghỉ việc, công nhân và DN đều đau xót. Trong trường hợp này, tôi cho rằng, ngành thuế nên xem xét lại, tốt nhất không nên thu”, bà Ngân nói.
Tuy nhiên, sau khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp và các công nhân, ông Huy cho biết, phía Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính để rà soát, nghiên cứu lại và báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho DN và công nhân công ty nói trên, cũng như các công ty trợ cấp cho công nhân mất việc tương tự.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, nếu NLĐ nhận được khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp mất việc sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế khi nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Nhưng nếu khoản này được chi trả cao hơn mức quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012, phần vượt phải chịu thuế TNCN. Việc Cty TNHH Pou Yuen Việt Nam khấu trừ thuế TNCN 10% đối với khoản trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Theo ông Huế, trong tình hình này, chính sách cần phải linh hoạt, bởi thời gian qua, NLĐ bị mất việc hàng loạt, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ cũng đã có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đóng thuế của người lao động cũng nên xem xét, miễn giảm, nhất là lao động mất việc.
Chiều 30/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho hay, theo quy định của Luật Thuế TNCN, phần trợ cấp thôi việc hưởng theo Luật Lao động là khoản thu nhập không phải chịu thuế TNCN. Khoản trợ cấp này một năm tối đa theo quy định của Luật Lao động là 1/2 tháng lương. Theo ông Huy, những khoản trợ cấp vượt quá quy định thì cá nhân phải tạm thời bị khấu trừ, sau đó sẽ thực hiện quyết toán theo quy định.
7,8 triệu lao động thất nghiệp, nghỉ luân phiên, giãn việc
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn.
Theo ông Vũ Trọng Bình, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống.