Công nhân ở Thanh Hóa 'thắt lưng buộc bụng' vượt qua giai đoạn khó khăn
Giá xăng dầu biến động đã kéo theo hàng loạt mặt hàng tiêu dùng tăng theo. Với đồng lương ít ỏi, hàng nghìn công nhân ở Thanh Hóa đang phải 'thắt lưng, buộc bụng' và thay đổi 'kịch bản' chi tiêu của mình. Đây là cách để người lao động có thể trụ vững, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Như thường lệ, sau giờ tan ca, chị Hoàng Thị Huê, một công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Lễ Môn (thành phố Thanh Hóa) ghé qua khu chợ tạm mua ít thực phẩm chuẩn bị cho buổi tối, nhưng thời gian gần đây, khái niệm mua sắm đã bị chị cắt bỏ.
Trong căn phòng trọ chừng 13m2, nữ công nhân gọi điện cho người thân tiếp tế thực phẩm quê trước “bão giá” bủa vây, dù giá xăng vừa được điều chỉnh chút đỉnh. Dịch bệnh kéo dài, thu nhập ảnh hưởng đến cả gia đình 6 miệng ăn. Chưa hết, giờ tiếp tục đối diện “cơn bão giá”, khiến đồng lương ít ỏi của chị Huê không còn giá trị là bao.
"Giá xăng dầu, thức ăn tăng lên, như ngày trước tôi có thể tiết kiệm gửi về nhà 2 đến 3 triệu đồng/tháng, nhưng gần đây mặc dù đã chi tiêu tiết kiệm nhưng cũng không tiết kiệm để gửi về hoặc gửi về được rất ít thôi. Như tôi mức lương bậc 4 thì 2 năm lại đây là gần như không tăng lên", chị Huê nói.
Căn phòng chật hẹp ở cuối dãy trọ là nơi chị Lê Thị Thủy, quê ở huyện Như Xuân tá túc, mặc cho trời tối sập nhưng bóng điện vẫn chưa được thắp sáng. Chiếc xe máy cà tàng phủ đầy lớp bụi vì mấy tháng nay không dùng đến.
"Sau khi dịch bệnh lương công nhân bọn em không tăng, giá cả lại càng ngày càng leo thang khiến cho cuộc sống công nhân như bọn em rất vất vả. Sau khi giá xăng tăng thì bọn em có khi phải đổ cả 200.000 tiền xăng mỗi lần về quê còn không đủ. Vì thế nên hơn một tháng thì bọn em mới về một lần vì còn tiết kiệm để lo nhiều thứ nữa", chị Thủy chia sẻ.
Xa chồng xa con xuống thành phố để thuê trọ làm việc ở khu công nghiệp Lễ Môn. Trước đây, khi xăng chưa tăng giá cứ khoảng nửa tháng những người công nhân này về thăm nhà một lần. Tuy nhiên, kể từ lúc xăng lên xấp xỉ 30.000 đồng một lít, những chuyến về thăm con cũng vơi dần.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết, công ty áp dụng mọi chính sách hỗ trợ, quan tâm người lao động, nhưng khó khăn là khó khăn chung.
"Giá cả tăng như vậy nhưng trong 2 năm qua mức lương tối thiểu vùng không tăng dẫn đến việc người lao động cũng khó khăn trong việc chi tiêu đối với các hoạt động cuộc sống của mình. Do vậy chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ cũng có xem xét trong việc tăng lương vùng cho các tỉnh làm sao cho người lao động nâng cao được đời sống, giảm bớt khó khăn và nâng lương cao hơn nữa cho người lao động", ông Quang chia sẻ.
Những phiên chợ mua sắm với những người công nhân đang dần vắng vẻ; những chuyến xe về quê thăm chồng con cũng thưa dần; công nhân thời “bão giá” chỉ còn biết cắt giảm chi tiêu để hy vọng, gom góp được khoản tăng thêm trong những lần gửi tiền về cho gia đình./.