Công nhân ở trọ quay quắt với nắng nóng
Mùa hè, công nhân ở trọ không chỉ bí bách, ngột ngạt vì nắng nóng mà còn phải thắt chặt chi tiêu vì thu nhập có phần giảm sút.
Hàng chục nghìn công nhân, lao động của Hải Dương đang phải chật vật đối phó với sự ngột ngạt, nóng nực của mùa hè trong các khu nhà trọ.
Bí bách
“Đi làm về không muốn bước chân vào phòng. Mái nhà lợp phi-brô xi-măng nóng hầm hập, ngột ngạt đến khó thở. Mấy hôm nay tôi bị mất ngủ”, chị Mông Thị Tươi, công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam đang ở trọ tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương) than thở khi vừa đi làm về. Phòng trọ của chị Tươi chỉ rộng gần 10 m2. Ngoài diện tích để kê giường, tủ và đồ đạc thì lối đi chẳng còn đáng là bao.
Mấy hôm nay, mỗi khi đi làm về, anh Lù Văn Thủ, quê ở huyện Vân Hồ (Sơn La) không dám mở cửa phòng trọ vì sợ khí nóng ùa vào nhà. Anh Thủ cho biết: “Nhà tôi nằm ở lưng chừng núi. Cây xanh phủ quanh, nhà rộng rãi nên thoáng mát lắm. Xuống đây đi làm đúng vào mùa hè lại phải thuê ở trong căn phòng nhỏ nóng nực. Hai hôm nay, tối nào đi làm về tôi cũng phun nước lên mái nhà, sân mà vẫn không đỡ. Mấy anh em trong xóm trọ thường rủ nhau ra ngoài dạo mát đến đêm khuya mới dám về ngủ”.
Hải Dương có hàng nghìn nhà trọ cho người lao động ở gần các khu công nghiệp thuê. Những người phải thuê trọ chủ yếu ở xa, tỉnh ngoài. Hầu hết các khu nhà trọ dành cho công nhân, lao động diện tích nhỏ, hẹp. Chủ nhà trọ xây nhà cấp 4, tường 10, mái lợp tấm phi-brô xi-măng hoặc tôn. Nhiều nơi để tiết kiệm diện tích, chủ nhà xây hai dãy trọ quá gần nhau khiến không gian chung chật hẹp, ngột ngạt. Nhiều công nhân ở ghép từ 3-4 người một phòng, đồ đạc nhiều nên không gian càng thêm bí bách.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, chủ nhà trọ ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) cho biết: "Thời tiết nắng nóng, công nhân đi làm về mệt mỏi nên 4 giờ chiều hằng ngày, tôi phun nước một lượt trên mái nhà và sân để bớt nóng".
Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng sụt giảm, việc làm của nhiều lao động cũng bị ảnh hưởng. Công ty không tổ chức tăng ca, thậm chí phải cho nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm nên thời gian ở phòng trọ của công nhân nhiều hơn. Người lao động không chỉ bức bối khi sống trong những phòng trọ chật hẹp, ngột ngạt vào mùa nắng nóng mà còn đang phải thắt chặt chi tiêu, vượt qua khó khăn giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Thắt lưng buộc bụng
Do công ty thiếu đơn hàng nên chị Nguyễn Thị Ngát quê huyện Con Cuông (Nghệ An) đang ở trọ tại khu dân cư Độc Lập, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đã gần nửa năm nay không được tăng ca. Có tháng chị Ngát phải nghỉ việc luân phiên. Tiền lương ít ỏi nên dù nóng bức, ngột ngạt chị Ngát chưa dám lắp điều hòa, quạt bật cũng phải hạn chế.
“Chủ nhà trọ thu một số điện hơn 3.000 đồng nên chúng tôi không dám sử dụng nhiều. Như anh Hòa, chị Luyên ở cùng xóm trọ có con nhỏ lắp điều hòa từ mùa hè năm trước nhưng năm nay bật cũng hạn chế vì thu nhập giảm khá nhiều. Anh chị ấy đã phải gửi hai con về quê ở với ông bà ngoại mấy tháng hè để bớt nóng nực”, chị Ngát nói.
5 tháng qua, mức thu nhập của người lao động Hải Dương giảm đáng kể, có nơi giảm hơn một nửa so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều công nhân chỉ thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài chi phí xăng xe, tiền thuê nhà trọ thì tiền điện những tháng mùa hè cũng tiêu tốn một khoản kha khá. Số tiền dành dụm gửi về cho gia đình hoặc tiết kiệm cũng vơi dần. Chị Chẻo Thị Hà, quê ở huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) nhẩm tính: “Mùa hè lượng điện dùng tăng gấp đôi, gấp ba nên mỗi tháng tôi phải trả ít nhất 400.000 đồng tiền điện".
Thu nhập giảm, thậm chí bấp bênh khiến cuộc sống của công nhân, lao động gặp không ít khó khăn. Sống ở các khu nhà trọ, người lao động luôn khao khát được mua nhà ở xã hội để cải thiện đời sống.
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người lao động đầu tháng 5 vừa qua, không ít người bày tỏ những khó khăn, vất vả khi phải sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, bí bách. Họ mong Hải Dương sớm có nhiều khu nhà ở xã hội dành cho công nhân, lao động. Các doanh nghiệp cũng cố gắng xây dựng ký túc xá cho những công nhân ở xa.
Ông Đỗ Văn Sanh, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng cuộc sống của công nhân khu nhà trọ vốn đã bí bách thì càng ngột ngạt, khó chịu hơn trong mùa hè. Để góp phần hỗ trợ công nhân ở trọ, thời gian qua Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển và hội nhập thực hiện Dự án “Cải thiện điều kiện sống và làm việc cho lao động nữ nhập cư” tại khu công nghiệp Nam Sách. Đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động ở trọ…
Hải Dương hiện có gần 300.000 công nhân, lao động, trong đó có gần 30.000 người đang ở trọ. Trong số công nhân ở trọ thì người tỉnh ngoài chiếm gần 97%. Người lao động thuê nhà trọ tập trung chủ yếu ở các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, TP Hải Dương. Trước những khó khăn của công nhân, lao động ở trọ, năm 2022, thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ, Hải Dương đã có hơn 26.000 người lao động được nhận gần 40 tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà.