Công nhận Phán quyết EVIPA, củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU
Việc Quốc hội phê chuẩn EVIPA sẽ tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA.
Cuối buổi sáng ngày làm việc hôm nay (8/6/2020), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Thi hành án dân sự, nỗi đoạn trường
Việc phải ban hành riêng một nghị quyết để thực hiện EVIPA, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng là do Điều 3.57 của EVIPA quy định, mỗi bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp (Phán quyết EVIPA) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình nhưng hiện tại Việt Nam chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của EVIPA.
“Việc Quốc hội thông qua nghị quyết này sẽ tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA sau khi Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Hiệp định với tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ”, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Anh Tuấn, đồng tình với việc phải ban hành một nghị quyết để xử lý nội dung này, tuy nhiên ông băn khoăn quy định, quyết định của tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA không bị kháng cáo, kháng nghị.
“Không bị kháng cáo thì có thể được, tuy nhiên không bị kháng nghị thì cần cân nhắc bởi không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong trường hợp tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết có vi phạm về thủ tục tố tụng”, ông Tuấn băn khoăn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "tán thành thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết EVIPA"
“Tôi tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết EVIPA”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm dứt khoát.
Vì theo ông Nghĩa, mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước ước New York năm 1958 (về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài) từ năm 1995 nhưng thực tế đã gặp nhiều khó khăn khiến cả tổ chức trọng tài lẫn doanh nghiệp đều than phiền. Vì vậy, khi Nghị quyết được thông qua thì phải coi phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp như bản án của tòa án dân sự được có hiệu lực thi hành và các bên có liên quan có nghĩa vụ thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Ông Nghĩa đề xuất, Tòa án Nhân dân Tối cao nên thành lập một bộ phận chuyên trách tập hợp những chuyên gia pháp lý giỏi trong và ngoài tòa án để nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Công ước ước New York năm 1958 để từ đó rút ra kinh nghiệm trong việc thi hành các phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài khi thực hiện Phán quyết EVIPA.
“Việc thi hành án dân sự còn rất nhiều tồn tại, người dân, doanh nghiệp coi việc thi hành án dân sự như là “nỗi đoạn trường”. Bây giờ chúng ta giải quyết tranh chấp dân sự theo Phán quyết EVIPA như bản án dân sự có hiệu lực thi hành thì phải nghiên cứu, tổng kết công tác thi hành án dân sự xem còn những hạn chế gì. Vì nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Việt Nam. Hơn nữa mới chỉ có 2 thành viên EU phê chuẩn EVIPA, nếu chúng ta không sớm phê chuẩn, các nước còn lại sẽ chờ đợi và có thể họ không phê chuẩn EVIPA”, ông Nghĩa lo ngại.
Thủ tục cuối cùng để hoàn tất EVIPA.
“Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và theo Nghị quyết thì toàn bộ nội dung của Hiệp định được áp dụng trực tiếp trừ một số khoản của Điều 3.57 được thực hiện riêng theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, việc thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA không cần phải bàn cãi”, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, để Phán quyết EVIPA theo ông Cường cần phải có quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình, thủ tục.
“Ví dụ một nhà đầu tư sau khi nhận được phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp không chỉ đơn giản là hộ cầm bộ hồ sơ đến cơ quan hữu quan Việt Nam và yêu cầu thực hiện phán quyết mà phải có quy định về thủ tục nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Doanh nghiệp phải mang hồ sơ đến cơ quan nào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay tòa án hay cơ quan thi hành án dân sự để được thi hành”, ông Cường dẫn chứng.
“Chúng ta không sợ bị hiểu nhầm là ban hành một thủ tục riêng vì EVIPA không cấm làm việc này. Thậm chí Hiệp định còn nói rõ mỗi bên sẽ công nhận tức là phải có thủ tục công nhận vì vậy cần phải có thủ tục kiểm tra là phán quyết đó có phải là của cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự hay không, phán quyết đó đã phải là phán quyết chung thẩm hay mới chỉ là sơ thẩm hay phải quy định hồ sơ có phải nộp bản gốc hay không, nộp bao nhiêu bản, có phải dịch sang tiếng nước ngoài hay không, có phải công chứng hay không… ngoài ra cũng phải quy định phí, lệ phí công nhận phán quyết. Những nội dung này không quá phức tạp, có thể quy định ngay trong Nghị quyết, hoặc nếu cần thiết thì giao Tòa án Nhân dân tối cao quy định cụ thể”, ông Cường đề xuất.
Trong khi đó, theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA là thủ tục cuối cùng để hoàn tất EVIPA.
“Chúng ta không thông qua không được, vì nếu không thông qua nhà đầu tư EU không có niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam”, ông Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng, ngay cả trường hợp không thông qua nghị quyết thì một khi Cơ quan giải quyết tranh chấp đã ra phán quyết mà bị đơn là phía Việt Nam thì tàu bay, tàu biển của Việt Nam ra nước ngoài cũng sẽ bị bắt giữ, thậm chí không ngoại trừ phía nước ngoài còn phong tỏa tài sản của Việt Nam trên thế giới”, ông Nhưỡng lo ngại.