Công nhân quay cuồng trong 'bão' giá

Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều công nhân sống thất nghiệp, giảm thu nhập. Đến khi hết dịch, họ phải đối mặt với giá cả hàng hóa, thực phẩm tăng, phải 'thắt lưng buộc bụng' để chống chọi với cơn 'bão' giá.

“Cân đong” từng bữa ăn

Trước khi cơn mưa chiều sắp đổ xuống, chị Nguyễn Thị Thu Lành, công nhân ở trọ tại khu Khu phố 1 phường Hòa Phú, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đứng tần ngần trước sạp tôm cá trong khu chợ trên đường về nhà. Đắn đo tính toán một lúc, chị mua 30.000 đồng tôm ngộp ướp lạnh được chừng 12 con, rồi sang tiệm rau mua thêm 1 củ dền và ký chôm chôm. Chị Lành tính, nhà còn dư 1 đĩa khô cá chiên từ hôm qua, nên bữa cơm chiều nay chỉ chừng 70.000 đồng, đủ cho 3 người, gồm 2 vợ chồng và mẹ chị đang ở chung để bế bé gái gần 9 tháng tuổi của chị. Về đến căn phòng trọ 15m2 có gác xép khá ngăn nắp, chị vội vàng bỏ áo khoác, rửa tay để cho con nhỏ bú sữa. Mẹ chị Lành cũng đi rửa vài cọng rau thơm, cắm bình nước sôi, bỏ nửa gói mì vào tô để pha tạm cho chị Lành ăn sau khi cho con bú.

Giá cả hàng hóa leo thang khiến công nhân phải chi tiêu dè xẻn tằn tiện dù cuộc sống vốn đã khó khăn

Giá cả hàng hóa leo thang khiến công nhân phải chi tiêu dè xẻn tằn tiện dù cuộc sống vốn đã khó khăn

Chị Lành cho biết, trước đó, khi chị còn có nhiều việc làm thêm, giá xăng chưa tăng cao, mỗi lần đi làm về chị đều mua thứ gì đó ngon ngon để lại sức, có dinh dưỡng cho con. Thế nhưng giờ chỉ dám ăn mì gói, vì vật giá leo thang, trong khi đó, riêng tiền tã bỉm con nhỏ đã hết 4 triệu đồng/tháng, mà lương 2 vợ chồng chị chỉ được 16-17 triệu nếu chồng tăng ca. Chị Nguyễn Thị Thu Lành chia sẻ: “Em đi chợ thấy cái gì cũng lên giá, gần như là gấp đôi luôn. Khi nào em có tăng ca lại may ra có dư chứ giờ không tăng ca nên chỉ có 7 triệu đồng, không đủ chi đâu. Tháng nào hết tháng đó, có khi không đủ, riêng tiền phòng đủ thứ tháng đã 2 triệu. Nếu mà không đủ thì xin nợ sang tháng chứ giờ chỉ có chừng đó”.

Công nhân đi làm bằng xe đạp để tiết kiệm chi phí xăng xe.

Công nhân đi làm bằng xe đạp để tiết kiệm chi phí xăng xe.

So với vợ chồng chị Lành vợ chồng anh Dương Dân ngụ ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương thu nhập có vẻ tốt hơn, bởi vợ chồng Dân đều được tăng ca – điều mà các công nhân luôn mong mỏi để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Song, vợ chồng anh lại phải nuôi đến 3 người con đang tuổi ăn học và phải hỗ trợ 2 ông bà nội ngoại ở quê trông các bé nên cũng phải “chắt bóp” chi tiêu. Tối hôm nay, hai vợ chồng tăng ca rồi uể oải trở về phòng trọ lúc gần 21h, người ướt nhẹp trong mưa. Anh Dân tâm sự: “Đi làm về muộn cũng mệt mỏi lắm nhưng vì cuộc sống mình phải bon chen thôi. Tăng ca thêm vài tiếng kiếm ít đồng tiền, thêm dư giả chút. So sánh với hồi trước không dịch đồng lương công nhân làm cũng được, nhưng sau khi dịch xảy ra cái gì cũng tăng giá trong khi lương không tăng nhiều. Vừa rồi công ty có tăng lương thêm 300.000 đồng lương cơ bản hiện tại có 4,9 triệu đồng”.

Mong chờ chính sách hỗ trợ

Tình cảnh khó khăn của công nhân tại TP.HCM cũng tương tự như anh Dân, chị Lành ở Bình Dương khi mỗi ngày đều “thắt lưng buộc bụng” mà vẫn không có mấy đồng dư giả. Anh Trần Đức Hùng, làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 2 cho biết, 2 vợ chồng vừa từ Quảng Bình vào lại thị trường lao động sau thời gian dài gặp khó khăn kinh tế trong đại dịch COVID-19. Hai người xin làm chung công ty để chở nhau cho đỡ tốn xăng. Mấy tháng vào đây, vợ ốm yếu, anh Hùng thường xuyên đi chợ bếp núc thay vợ, cũng “chóng mặt” vì giá thực phẩm hàng ngày ở chợ tăng giá, trong khi đồng lương quá ít ỏi. Anh Hùng chỉ dám mua thêm hộp sữa nếu vợ quá mệt, còn mình thì chi tiêu dè xẻn hết mức có thể: "Giờ làm được một tháng 7 triệu đồng, nói chung ăn uống là phải tiết kiệm. Tháng phải gửi về quê cho con. Ăn ở công ty 2 bữa rồi chiều về ăn thêm mì gói. Như bọn em đi ra chợ phải nhìn giá xem cái nào rẻ nhất để mua, chứ không dám nhìn vào những thứ đắt tiền”.

Để hỗ trợ cho người lao động, trong Tháng Công nhân, Công đoàn tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều phiên chợ bán hàng giá gốc, giá ưu đãi. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Tương tự, tại TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, tổng giá trị các chương trình chăm lo cho 200.000 công nhân viên chức lao động trong Tháng Công nhân năm nay khoảng 100 tỉ đồng. Hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ đang được các tỉnh thành triển khai, thế nhưng mấy tháng qua, công nhân vẫn mong chờ mòn mỏi. Chị Đào Thị Minh Em, 49 tuổi, tạm trú phường Bình Chiểu, TP.HCM là một trong hàng vạn công nhân đó. Chị Minh Em cho biết, chị đã nợ tiền phòng để gửi tiền cho mẹ già đi chữa bệnh. Điều chị mong mỏi nhất tại thời điểm này là gói hỗ trợ thuê nhà trọ sớm đến tay: "Cũng khó khăn đủ thứ chuyện luôn mà mình cũng phải ráng làm việc, mần được ngày nào có tiền ngày đó. Ông tổ trưởng chỗ mình kêu làm giấy tờ xong xuôi để nhà nước hỗ trợ tiền nhà mấy tháng dịch đó. Từ đó đến nay mấy tháng cũng chưa thấy gì. Cũng mong lắm mà giờ biết làm sao".

Bữa cơm vội sau tan ca của một công nhân chỉ có dưa leo và 1 vài lát thịt

Bữa cơm vội sau tan ca của một công nhân chỉ có dưa leo và 1 vài lát thịt

Để chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị quy định thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1/7. Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ngày 1/6 vừa qua, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu vùng để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Việc tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống; giúp giữ chân lao động; động viên tinh thần người lao động gắn bó, làm việc hăng say, tăng năng suất, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/cong-nhan-quay-cuong-trong-bao-gia-post948211.vov