Công nhân thắt lưng buộc bụng

Lo ngại tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài, số đông công nhân đã chủ động tiết giảm chi phí sinh hoạt, ưu tiên lo cho việc học của con

Ba tháng qua, cả gia đình của bà Nguyễn Thị Út, công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhựa Chợ Lớn (quận 8, TP HCM), gồm 5 thành viên chuyển về sống cùng nhau trong căn phòng trọ chưa đến 10 m2.

Cầm cự qua ngày

Trước đây, để tiện sinh hoạt, gia đình bà Út thuê 2 phòng liền kề, vợ chồng người con trai cả ở một phòng, còn bà ở cùng với con trai út và đứa cháu. Từ tháng 4 đến nay, do công ty khan hiếm đơn hàng nên mỗi tuần 2 mẹ con bà chỉ làm 3-4 ngày, thu nhập giảm một nửa (hơn 4 triệu đồng/người/tháng).

Lo công ty còn khó khăn kéo dài nên để đỡ tốn kém, bà Út bàn với con trai cả trả bớt một phòng rồi dọn về ở chung. Bằng cách này, mỗi tháng gia đình bà tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng. Bà Út nói: "Ở đông người thì ngột ngạt và bất tiện nhưng chỉ có cách này chúng tôi mới trụ lại ở thành phố. Hai tháng nữa, con dâu tôi sẽ sinh cháu nên lúc đó sẽ lại tách ra 2 phòng để có không gian sống thoải mái hơn".

Đi chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (trái), công nhân Công ty TNHH 3Q Vina, chỉ mua ít khoai về nấu bữa sáng cho cả nhà. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Đi chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (trái), công nhân Công ty TNHH 3Q Vina, chỉ mua ít khoai về nấu bữa sáng cho cả nhà. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Không riêng gì bà Út, nhiều CN cũng chọn cách ghép phòng hoặc dọn vào khu lưu trú (KLT) miễn phí của doanh nghiệp để giảm chi phí sinh hoạt. Đơn cử như chị Đỗ Thị Hằng, CN Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6). Chị Hằng quê ở Sóc Trăng, mới vào làm việc tại công ty được hơn một năm. Mỗi tháng, thu nhập của chị dao động từ 5,5 - 7 triệu đồng.

Với khoản tiền ấy, ngoài chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng tháng, chị còn phải gửi về quê 2 triệu đồng để phụng dưỡng cha mẹ. Để tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt, chị Hằng chọn ở lại trong KLT miễn phí của công ty. Ở đây, chị chỉ phải đóng 120.000 đồng/tháng tiền điện, nước. "Ngoài tiết kiệm hơn 1 triệu đồng tiền thuê nhà mỗi tháng, tôi còn đỡ thêm khoản tiền xăng vì KLT nằm đối diện công ty, chỉ mất vài phút đi bộ để đến nhà máy" - chị Hằng cho biết.

Tương tự, anh Chau Thol (dân tộc Khmer, quê An Giang) cũng chọn ở trong KLT khi đến làm việc tại Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên (quận Gò Vấp) cách đây vài tháng. Anh Thol có thời gian làm việc tại tỉnh Bình Dương nhưng từ sau dịch, công ty khó khăn, phải nghỉ chờ việc, không có thu nhập trong khi vẫn phải đóng tiền trọ, điện, nước mỗi tháng hơn 1 triệu đồng nên anh không thể bám trụ. Anh nói: "Tôi phải tìm việc khắp nơi trước khi được người quen giới thiệu vào làm CN kỹ thuật tại Long Biên với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Biết công ty có KLT miễn phí cho CN, tôi rất mừng vì tiền lương hằng tháng tôi còn phải phụ cha mẹ lo cho các em đi học".

Ưu tiên cho con

Là mẹ đơn thân, lại phải lo cho con gái mắc chứng suy giảm trí nhớ nên chị Tăng Kim Thư, CN Công ty TNHH Hungway (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), phải chi tiêu hết sức tằn tiện.

Chị Thư cho biết kể từ sau dịch, tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty chững lại khiến thu nhập của chị giảm sút. Với thu nhập chỉ 5 triệu đồng mỗi tháng, ngoài khoản chi cố định cho con hơn 1 triệu đồng/tháng thì mọi chi tiêu khác chị đều cắt giảm.

Hai năm trở lại đây, chị không dám sắm sửa gì, ăn uống cũng qua loa. Ngoài bữa trưa tại công ty, bữa sáng và tối chị đều ăn cho qua bữa, khi thì cơm nguội chiên lại, khi thì mấy củ khoai lang hay ổ bánh mì. Đi làm, chị cũng chọn xe buýt để tiết kiệm. Đi xe buýt chỉ mất 12.000 đồng/ngày nhưng do nhà xa trạm dừng nên sáng nào chị cũng phải dậy sớm.

Mấy tháng qua, do công ty ít việc nên cuộc sống của vợ chồng chị Lê Thị Diệu Hiền (quê Vĩnh Long) hết sức chật vật. Vợ chồng chị Hiền là CN Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn (KCX Tân Thuận, quận 7). Trước đây, khi đơn hàng công ty còn dồi dào thì vợ chồng chị đi riêng mỗi người một xe để tiện việc tăng ca và đưa rước con đi học, chi phí tiền xăng mỗi tháng từ 500.000-700.000 đồng/tháng.

Chị nói khi ấy thu nhập gia đình rất khá (gần 30 triệu đồng/tháng) nên chi tiêu không cần quá dè dặt. Nhưng nay, công ty ít việc, thu nhập hai vợ chồng chỉ bằng 1/3 so với trước (khoảng 10 triệu đồng/tháng), không đủ tiền trọ, ăn uống cho 3 người ở thành phố và lo cho đứa con lớn ở quê đang học lớp 7. "Đã mấy tháng, tôi không có tiền gửi về quê nên khoản chi nào cắt được là tôi cắt luôn. Tiền trọ tháng này tôi cũng phải xin khất ít ngày để gom góp tiền lo tiền trường, mua đồng phục và sách vở cho các con vào năm học mới" - chị Hiền rầu rĩ.

Hơn 1 tháng qua, chi phí ăn uống của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (CN Công ty TNHH 3Q Vina, quận 8) không vượt quá 100.000 đồng/ngày, gồm tiền ăn 3 bữa cho 2 người. Công ty khó khăn, chị Hoa phải nghỉ chờ việc 3 tháng không lương từ tháng 7, chồng chị là lao động tự do cũng thất nghiệp. Phải mất gần 1 tháng chị mới tìm được công việc thời vụ tại một xưởng may gia công trả lương tuần (1,4 triệu đồng/tuần). Với khoản thu nhập ít ỏi đó, ngoài chi phí nhà trọ, chị không dám chi tiêu vượt quá 100.000 đồng/ngày. Buổi sáng, vợ chồng chị chỉ lót dạ bằng mì gói, bữa trưa và tối thì cá khô với trứng luộc. "Tháng trước, thất nghiệp, tôi phải vay nợ gửi tiền về quê cho 2 con. Vô năm học rất nhiều khoản chi nên tôi ưu tiên lo cho mấy đứa nhỏ" - chị Hoa tâm sự.

NGA HOÀNG - HUỲNH NHƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-that-lung-buoc-bung-20230905203450837.htm