Công nhận thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa ký các quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer Nam Bộ - ảnh ITN.

Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer Nam Bộ - ảnh ITN.

Tại Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer huyện Tri Tôn và Thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer thường được biểu diễn trong dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ook om bok hoặc các dịp thu hoạch mùa màng bội thu… Đây cũng là cách để gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần trong tâm thức đồng bào Khmer. Đồng thời, truyền đạt giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cho thế hệ trẻ Khmer.

Quyết định số 1351/QĐ-BVHTTDL công nhận lễ hội truyền thống “Hội hát Chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội”. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng” nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Cái tàu và con tàu là gái thanh tân từ 13 – 16 tuổi, gia đình gia giáo, bản thân ngoan ngoãn, hát hay, múa giỏi.

Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL công nhận tập quán xã hội và tín ngưỡng “Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai”. Nghi lễ thường tổ chức vào ngày cuối tháng 1 âm lịch hàng năm. Ngoài cầu mong mùa màng bội thu, may mắn cho dân bản, cúng rừng còn mang tính giáo dục, răn dạy mỗi người không phá rừng, tích cực bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Quyết định số 1353/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề thủ công truyền thống “Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai”. Đây là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Tày ở xã Nghĩa Đô, là nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân thường chọn các vật dụng từ đan lát để sử dụng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và chú trọng phát triển các sản phẩm để phục vụ du lịch.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cong-nhan-them-4-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post731465.html