Công nhân Thủ đô - Lực lượng tiên phong tiến vào kỷ nguyên mới
Tiếp nối truyền thống hào hùng của giai cấp công nhân và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Công đoàn Thủ đô Hà Nội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm 'hướng về cơ sở, vì đoàn viên và người lao động'.

Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Với vai trò tập hợp, dẫn dắt, tổ chức Công đoàn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển không ngừng về số lượng, chất lượng, bản lĩnh chính trị và tri thức nghề nghiệp của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô - lực lượng tiên phong trong xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tự hào truyền thống giai cấp công nhân
Cách đây 139 năm, ngày 1/5/1886, cuộc đấu tranh của hàng vạn công nhân Chicago (Mỹ) đòi quyền làm việc 8 giờ mỗi ngày đã mở đầu cho phong trào công nhân hiện đại. Kể từ đó, Ngày Quốc tế Lao động trở thành biểu tượng toàn cầu của tinh thần đấu tranh vì quyền lợi của người lao động.
Tại Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam qua nhiều tác phẩm của Người, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Từ đây, giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: "Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới".
Phát huy tinh thần Quốc tế Lao động 1/5 và lời hiệu triệu của Bác, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm, khả năng sáng tạo, lòng nhiệt tình cách mạng của công nhân viên chức, lao động, góp phần cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, duy trì sự tăng trưởng, phát triển bền vững của đơn vị.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh, đến nay, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Công nhân Thủ đô có mặt ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, trong mọi thành phần kinh tế, đóng vai trò chủ lực trong sản xuất, dịch vụ, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hiện, Hà Nội có gần 10.000 Công đoàn cơ sở với hơn 800.000 đoàn viên, quy mô lực lượng ngày càng lớn mạnh. Chỉ riêng tại các khu công nghiệp và chế xuất, số lượng Công đoàn cơ sở đã tăng gần 8 lần, số đoàn viên tăng 15 lần so với năm 2010. "Điều này cho thấy sự lớn mạnh vượt bậc của đội ngũ công nhân - lực lượng đang ngày càng làm chủ công nghệ, hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu", Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng nhận định.
Đáng chú ý, dưới sự dẫn dắt của tổ chức Công đoàn, nhiều phong trào thi đua hiệu quả như "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Công nhân giỏi Thủ đô", "Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô"… đã lan tỏa sâu rộng, tạo động lực mạnh mẽ cho người lao động phát huy trí tuệ, cống hiến. Hàng vạn sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn còn chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động với nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ "Mái ấm Công đoàn", tổ chức "Tết sum vầy", xe đưa công nhân về quê ăn Tết, khám sức khỏe miễn phí, trợ cấp khó khăn… tạo nên điểm tựa tin cậy, nhân văn cho đoàn viên.
Theo thống kê, có đến 79% đoàn viên, người lao động Thủ đô được học nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp và hơn 61% được bồi dưỡng học vấn, phản ánh xu thế ngày càng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, công tác tuyên truyền pháp luật, đối thoại, tư vấn chính sách đã tiếp cận tới hàng trăm nghìn lượt người lao động, tạo nền tảng cho một môi trường lao động văn minh, an toàn, bền vững...
Vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh lì xì cho công nhân lao động trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: TTXVN phát
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thống, tổ chức Công đoàn Thủ đô đang từng bước thích ứng và đổi mới mạnh mẽ trong thời đại chuyển đổi số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo. Những mô hình mới, giải pháp hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành thông minh, hỗ trợ người lao động đã tạo tiếng vang và sức lan tỏa lớn.
Ông Phạm Quang Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, Công đoàn Thủ đô đang chủ động đổi mới để trở thành tổ chức gần gũi, hiệu quả, gắn bó thiết thân với công nhân lao động, nhất là trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đặc biệt, các cấp Công đoàn đang cùng cả hệ thống chính trị quyết liệt, gấp rút thực hiện sắp xếp bộ máy, tổ chức tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức Công đoàn Hà Nội sẽ có cơ cấu mới, bộ máy mới, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp sẽ có sự điều chỉnh phù hợp... Những thay đổi này vừa tạo thuận lợi, vừa đặt ra nhiều nội dung, thách thức và yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động Công đoàn các cấp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao giá trị lao động, xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tổ chức Công đoàn sẽ là trung tâm kết nối giữa người lao động - doanh nghiệp - nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thực tế cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và doanh nghiệp đang ngày càng được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao vai trò của Công đoàn trong việc ổn định lực lượng lao động, nâng cao chất lượng tay nghề, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên truyền cho người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long cho biết: "Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người lao động không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật, mà còn là một trong những yếu tố then chốt nhằm xây dựng môi trường làm việc văn minh, an toàn, ổn định và phát triển bền vững".
Ông Chen Zhiguo - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng ZYF Việt Nam mong muốn chất lượng nguồn nhân lực của công ty ngày càng nâng cao, vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thường xuyên mở các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động, đóng góp vào sự lớn mạnh của công ty.
Có thể thấy, giai cấp công nhân Thủ đô hôm nay đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát huy truyền thống kiên cường, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên, Công đoàn Thủ đô quyết tâm đồng hành cùng công nhân lao động, đưa đội ngũ này trở thành chủ thể trung tâm của nền sản xuất hiện đại, nhân tố tiên phong trong hành trình phát triển quốc gia.
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của chuyển đổi, hội nhập và sáng tạo, giai cấp công nhân không chỉ là lực lượng lao động chủ lực mà còn là biểu tượng cho ý chí vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trên bản đồ kinh tế thế giới.