Công nhân TP.HCM chật vật giữa bão giá: Mỏi mòn chờ nâng lương tối thiểu vùng
Xăng tăng giá kéo theo giá hàng hóa tăng cao khiến cuộc sống nhiều công nhân ở TP.HCM càng thêm khó khăn, nâng lương tối thiểu là điều họ mong mỏi lúc này.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Gò Vấp cho hay, quận Gò Vấp (TP.HCM) là địa bàn có nhiều công nhân thuê trọ sinh sống. Từ khi xăng lên giá làm giá cả các mặt hàng khác tăng theo khiến cuộc sống của nhiều công nhân thêm chật vật.
LĐLĐ quận cũng có những chương trình hỗ trợ thêm cho người lao động trong lúc giá cả tăng lên, như mở "điểm phúc lợi đoàn viên" phục vụ mặt hàng nhu yếu phẩm, giảm giá từ 5 - 30% cho các sản phẩm như dầu ăn, đường, nước mắm… Điểm bán này cũng giải quyết một phần khó khăn cho người lao động.
"Nhiều công nhân trước đây cầm 100.000 đồng đi chợ thấy cũng ổn giờ 100.000 đi chợ cho 1 ngày không đủ sống”, bà Yến nói.
LĐLĐ quận Gò Vấp cũng trao đổi với doanh nghiệp làm sao tạo việc làm ổn định cho người lao động; tổng hợp ý kiến, mong muốn tăng lương của công nhân trong bối cảnh khó khăn sau dịch, giá cả lại tăng cao gửi đến các doanh nghiệp.
“Giá cả tăng công nhân chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp muốn hỗ trợ cũng phải chờ chính sách tiền lương của Chính phủ, của Hội đồng tiền lương Quốc gia, buồn là chờ mỏi mòn mà chưa nâng lương tối thiểu vùng”, bà Yến nói.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho rằng hiện kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, lại bị tác động bởi giá xăng dầu thế giới tăng cao, vì vậy kinh tế thành phố cũng chịu tác động lớn dẫn đến việc chăm lo đời sống cho người dân, nhất là công nhân lao động chưa được tốt.
“LĐLĐ thành phố cũng cân nhắc việc hỗ trợ công nhân trước tác động của vật giá tăng cao nhưng đây là khó khăn chung của nền kinh tế, chúng tôi đề xuất nhưng đối tượng chăm lo rất lớn, lên tới hàng triệu công nhân, lao động, thành ra cần có được nguồn lực lớn", ông Trung nói.
Ông Trung cho biết, LĐLĐ thành phố thường xuyên hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn bằng nguồn công đoàn phí. Hỗ trợ tùy vào điều kiện của từng đơn vị, doanh nghiệp có nguồn công đoàn phí dồi dào thì hỗ trợ tốt hơn.
“Hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi trường hợp khó khăn với cấp quận, cấp thành phố là 1000.000 đồng/trường hợp”, ông Trung nói.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, việc tăng lương tối thiểu vùng phải chờ phiên họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia, người lao động rất mong chờ nhưng phải cân nhắc, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. LĐLĐ thành phố cũng tổng hợp nguyện vọng người lao động và đề xuất lên Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, xăng tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là bởi chi phí logictics của chúng ta khá cao. Trong đó vận tải là chính, khi xăng tăng giá dẫn đến chi phí vận tải tăng lên nên giá các mặt hàng phải bị đội lên. Đây là tác động chung mà tất cả người dân phải chịu nhưng người lao động, công nhân có thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi hơn, gặp khó khăn trong chi tiêu.
“Đời sống khó khăn, giá cả tăng cao dẫn đến việc người lao động không đủ sống với lương tối thiểu hiện nay. Nhưng bài toán không đơn giản là bơm tiền ngân sách hay doanh ngiệp tăng lương, nó phải cân bằng giữa ngân sách và lợi ích. Đợt dịch vừa rồi, ngân sách thành phố ảnh hưởng rất lớn nên có thể đó là lý do chưa có thêm gói hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân lao động, rất thiết thực vừa được Chính phủ ban hành, TP.HCM cũng đang thực hiện”, ông An nói.
Việc lương tối thiểu vùng chưa tăng, ông An cho rằng, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang đặt nặng thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta đang có lợi thế về lao động, giá nhân công, nếu tăng lương, lợi ích doanh nghiệp sẽ giảm đi khi đó họ không coi Việt Nam hay TP.HCM là môi trường đầu tư tốt nữa để đầu tư.
Nâng lương tối thiểu sẽ kéo theo vấn đề về sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đợt dịch vừa qua nhiều doanh nghiệp tại thành phố bị ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi nên cần cân nhắc và cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp - người lao động.
“Nhưng để mức lương tối thiểu hiện nay giữ nguyên quá lâu với những điều kiện lạm phát (giá cả tăng, tiền mất giá) thì không công bằng. Rất nhiều người lao động hiện nay muốn tăng lương để đủ sống thôi chứ chưa nói tích lũy, mức lương tối thiểu đang cần phải xem xét lại", ông An nói.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng: vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.