Công nhân TP.HCM thấp thỏm lo mất việc
Làn sóng cắt giảm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) kéo dài từ năm 2022 đến nay vẫn chưa chấm dứt, nhiều lao động trong ngành may mặc đang thấp thỏm lo lắng vì nguy cơ một ngày nào đó họ sẽ nằm trong diện bị sa thải.
3 năm không được tăng ca
Trong một xóm trọ chật chội trên đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM), chị P.T.V (33 tuổi, công nhân Công ty TNHH PouYuen, quận Bình Tân) tất bật chuẩn bị bữa trưa cho chồng và hai đứa con nhỏ.
Nữ công nhân quê Nghệ An đã có thâm niên 11 năm gắn bó với công ty, với mức lương khoảng 9 triệu/tháng, chị vẫn mong muốn gắn bó lâu dài cho tới lúc nghỉ hưu, có như vậy chị mới có thể duy trì chi phí trang trải cuộc sống và chăm sóc cho con.
Sau thông tin Công ty PouYuen dự kiến cắt giảm thêm lao động trong tháng 5, chị V. không giấu được lo lắng khi có tin lan truyền trong chỗ làm rằng tới tháng 8 khu của chị đang làm sẽ có một đợt cắt giảm lao động. Trong đợt cắt giảm tháng 5, chồng chị đang làm ở khu C, nằm trong diện được cho nghỉ nhưng may mắn có một nữ công nhân đang mang thai xin nghỉ thế chỗ, do vậy chồng chị mới giữ được việc làm.
"Thời buổi này công ty nào cũng khó khăn, có nguy cơ cắt giảm lao động. Như ở công ty tôi thì đã 3 năm rồi tôi không được một lần tăng ca, do vậy thu nhập cũng không được thêm bao nhiêu. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, không có bằng cấp nên bắt buộc phải cố gắng, chỉ sợ làm không tốt sẽ bị sa thải", chị V. chia sẻ.
Ở trong trạng thái thấp thỏm lo âu mất việc, chị V. buộc phải lên kế hoạch, nếu không may bị sa thải trong tương lai, chị dự kiến sẽ không làm công nhân nữa mà đi học nghề làm tóc sau đó tự mở tiệm tóc để ổn định cuộc sống. Vì nếu tiếp tục xin làm công nhân, thì mức lương khởi điểm chỉ dao động từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, quá thấp để có đủ chi phí chăm lo cho gia đình.
Tương tự, anh P.V.L (34 tuổi, công nhân Công ty TNHH PouYuen) đã gắn bó ở công ty được 12 năm, nhưng thời gian gần đây do ít đơn hàng rồi cho nghỉ luân phiên nên thu nhập của anh không còn được như trước. Để có tiền nuôi con, anh làm thêm đủ nghề như chạy xe ôm công nghệ, bốc vác... nhằm kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.
Nói đến khả năng có thể bị sa thải trong nay mai, anh L. cho biết nếu rơi vào hoàn cảnh đó anh sẽ không làm công nhân nữa mà chuyển sang kinh doanh gì đó để tự quyết cuộc sống của mình, không còn phải bị phụ thuộc vào công ty. Với 12 năm đóng BHXH, anh cho biết nếu nghỉ việc sẽ rút BHXH 1 lần để có vốn làm ăn, trang trải trong thời gian không có việc làm.
Giữa trưa ngày cuối tuần, chị L.T.H (38 tuổi, công nhân Công ty TNHH Kyung Rhim Vina) loay hoay chăm sóc đứa con mới 1 tuổi đang bị sốt. Tâm sự về công việc, chị H. cho biết, dù có bằng cử nhân Luật và có thời gian dài làm công tác đoàn tại xã, nhưng do nhà nghèo và áp lực con cái chị phải bỏ xứ vào TP.HCM làm công nhân.
Năm 2019, chị vào tìm việc ở TP.HCM đúng vào thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, chị H. chật vật tìm việc ở các khu công nghiệp. Sau khi có việc làm, chị H. lại trải qua thời gian dài cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16. Đến nay, khi dịch bệnh đã hết, công việc tưởng chừng sẽ khá hơn nhưng không ngờ kinh tế thế giới khó khăn, công ty giảm đơn hàng, nên thu nhập của chị cũng bị ảnh hưởng.
"Tôi có 3 đứa con nhưng phải gửi về quê hai đứa để ông bà nuôi, còn đứa con gái 1 tuổi thì vợ chồng cố gắng chăm sóc vì còn quá nhỏ. Hai vợ chồng đi làm mỗi tháng được hơn 15 triệu, chia ra đủ loại chi phí, cuối cùng cũng không còn dư đồng nào để phòng thân. Nghe mấy công ty may mặc sa sải nhân viên, tôi cũng lo lắng nhiều lắm", chị H. chia sẻ.
Nỗ lực kết nối việc làm cho công nhân mất việc
Liên quan đến tình hình lao động tại Công ty TNHH PouYuen, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM cho biết, do việc sụt giảm đơn hàng sản xuất gia công, Công ty TNHH PouYuen sẽ có kế hoạch sắp xếp lại lao động theo nguyên tắc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Theo đó, công ty sẽ tổ chức 2 buổi tiếp xúc với người lao động, thông báo tình hình và kế hoạch nhân sự vào ngày 20/5 và ngày 3/6, thông tin các chế độ mà người lao động sẽ được hưởng trong trường hợp 2 bên đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, việc thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của người lao động, nếu người lao động không đồng ý vẫn tiếp tục làm việc tại công ty.
Theo ông Lâm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM sẽ phối hợp với Công đoàn Công ty TNHH PouYuen khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của người lao động, nhất là lao động từ các tỉnh xa đến thành phố làm việc, triển khai tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Theo bà Lê Thị Kiều Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, trong đợt cắt giảm nhân nhân sự tại Công ty TNHH PouYuen tháng 2/2023, Trung tâm đã thu thập thông tin tuyển dụng của 5 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 3.000 lao động, mức lương từ 5-12 triệu đồng/tháng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị cắt giảm.
Cụ thể, từ ngày 20-24/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động và tư vấn, hướng dẫn các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 2.247/2.358 người lao động bị cắt giảm tại Công ty TNHH PouYuen.
Dự kiến trong quý 2/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM sẽ tổ chức 47 phiên sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ phối hợp với phòng LĐTBXH quận, huyện, Thành phố, Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo TP.HCM thu thập thông tin người nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, lao động có nghề nghiệp không ổn định để tư vấn giới thiệu việc làm.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm trong quý 1 năm 2023, thậm chí kéo dài đến hết quý 2 năm 2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống. Đơn cử là tình hình cho nghỉ luân phiên, không tái ký hợp đồng với hàng nghìn lao động tại Công ty TNHH PouYuen.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, LĐLĐ TP.HCM tiếp tục nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động… để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, LĐLĐ TP.HCM chỉ đạo các cấp Công đoàn nắm chắc số lượng người lao động bị mất việc, bị cắt giảm lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông qua Công đoàn cơ sở để có kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, vị trí lao động.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-nhan-tphcm-thap-thom-lo-mat-viec-155880.html