Công nhân trong thời bão giá - Bài 1: Đi chợ cũng chóng mặt
Dự báo, thời gian tới kinh tế cả nước sẽ vẫn tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới, giá xăng dầu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng cao, trong khi xuất khẩu có dấu hiệu chững lại. Ghi nhận tại thời điểm hiện tại, người lao động đang phải đối diện với khó khăn kép. Họ vừa cố gắng chống chọi với làn sóng 'bão giá', vừa phập phồng lo lắng bị giảm giờ làm, mất việc.
Hiện nhiều mặt hàng đang đua nhau tăng giá. Đi chợ mỗi ngày, công nhân, người lao động buộc phải cân nhắc từng món đồ trước khi trả tiền. Không ít người phải “thắt lưng, buộc bụng” chỉ dám mua các mặt hàng thiết yếu, đồng thời cắt giảm triệt để các khoản chi tiêu khác...
“Thắt lưng buộc bụng”
Dưới cái nắng gay gắt, căn nhà trọ tại 1106/11/7 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Long Trường, TP Thủ Đức rộng khoảng 20m2 của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quốc, (SN 1967), quê ở Thừa Thiên Huế hầm hập như “lò bát quái”. Lý giải nguyên nhân phòng trọ nóng nhưng không bật quạt điện, anh Quốc cho biết, một tháng hai vợ chồng thu nhập tổng cộng khoảng 15 triệu đồng từ việc phụ hồ, tuy nhiên có hàng loạt khoản chi tiêu đặt ra buộc vợ chồng anh phải tiết kiệm.
Theo anh Quốc, tiền nhà một tháng hết 3 triệu đồng, tiền điện nước chừng 500 nghìn đồng. Tính sơ sơ hết mấy triệu một tháng. Nghe nói đến chuyện chi tiêu trong gia đình, vợ anh Quốc than thở: “Giờ cái gì cũng tăng giá. Đi chợ mua rau thôi cũng hết 50.000 – 60.000 đồng. Trước mua 1kg rau xanh, giờ tôi giảm một nửa. Riêng thịt với cá thì hạn chế hơn nhiều, đổi lại thường xuyên dùng món trứng gà hay đậu phụ”. Cũng theo vợ anh Quốc, làm việc một ngày “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ được khoảng 500 nghìn đồng, vậy mà ra chợ một tý buổi sáng cũng mất gần một nửa. Nhiều lúc hốt hoảng tưởng làm rơi tiền sau những lần đi chợ về.
Chỉ vào bịch rau xanh và chục trứng vừa mua tại chợ cóc sau buổi tan ca chiều, chị Nguyễn Hoài Thương (quê ở Quảng Ngãi), công nhân khu Công nghệ cao TPHCM chia sẻ: “Bấy nhiêu là đủ ba chị em gái ở cùng phòng ăn trong 2 buổi tối”. Khi được hỏi về bữa sáng, chị Thương bảo, tối luộc sẵn ít khoai, sáng hôm sau lót dạ là xong bữa.
Chị Thương tâm sự: “Lương không tăng, trong khi xăng dầu đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Công nhân chúng tôi phải tiết kiệm từng đồng. Bữa ăn hàng ngày quanh đi quẩn lại chỉ là trứng, đậu hũ, cá khô hoặc ngon hơn là vài con cá tươi. Thời gian này trứng vịt trở thành lựa chọn phù hợp nhất”.
Giá xăng dầu tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào không nằm ngoài “vòng xoáy bão giá”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình, nhất là công nhân, người lao động. Vì vậy, không riêng vợ chồng anh Quốc, hay chị Thương, các gia đình công nhân, người lao động khác đều đang đau đầu với bài toán cân đối mức sống với đồng lương ít ỏi, làn sóng “bão giá” nổi lên hết đợt này đến đợt khác.
Cơn “bão giá” đã được các chuyên gia đoán định ở tầm vĩ mô nhưng với người công nhân đơn giản là mọi thứ giờ đều quá đắt đỏ, trước đổ 50.000 đầy bình xăng cho chiếc xe cà tàng, giờ thì phải hơn 70.000 đồng. Trước mang 100 nghìn đồng là có thể mua thức ăn cho cả ngày thì nay chỉ được 2 bó rau với vài lạng thịt...
Căng thẳng vì áp lực tài chính
Đến các khu công nghiệp, chúng tôi nhận được chia sẻ của rất nhiều công nhân, họ cùng chung một mối lo, giá cả tăng nên việc chi tiêu được tính toán rất kỹ nhằm duy trì gánh nặng gia đình. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến sức mua trên thị trường không mấy nhộn nhịp.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM khẳng định, do tác động của nhiều yếu tố khiến sức mua đang chậm lại.
Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Anphabe mới đây cho thấy, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress thường xuyên đến rất thường xuyên. Bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, xoay quanh 4 nhóm yếu tố chính là tài chính và gia đình; tính chất công việc; môi trường và điều kiện làm việc; quan hệ công sở.
Đáng lưu ý ở giai đoạn này, dù làm trong lĩnh vực nào thì mối bận tâm hàng đầu khiến người lao động phân tâm đều xoay quanh vấn đề áp lực tài chính khi phải lo nhiều thứ. “Stress cũng chính là “sát thủ vô hình” giết chết động lực, sự gắn kết với doanh nghiệp. Vì tần suất stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với công ty càng suy giảm. Đặc biệt, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress”- bà Thanh Nguyễn phân tích.
(Còn nữa)
Đại diện Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa; chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế. Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để có giải pháp điều hành phù hợp. Chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả giúp ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.