Công phu nghề huấn luyện chim săn mồi
Anh Nguyễn Ngọc Luận (SN 1982) ở Đông Anh (Hà Nội) bén duyên với sở thích huấn luyện chim săn mồi từ năm 2015.
![Chú chim săn mồi và biểu diễn của anh Nguyễn Ngọc Luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51484908/ee6c5ae769a980f7d9b8.jpg)
Chú chim săn mồi và biểu diễn của anh Nguyễn Ngọc Luận.
Biết thú chơi cũng lắm công phu nhưng với anh Luận đã đam mê thì cũng chẳng ngại khó.
Bén duyên…
Tháng 11/2021, khi khu vực bên ngoài sân vận động Mỹ Đình bắt đầu đông đúc vì người hâm mộ đổ về làm các thủ tục vào theo dõi trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam gặp Ả Rập Xê-út trong khuôn khổ vòng loại thứ 3, World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Luận. Anh Luận cầm trên tay một chú chim đại bàng để biểu diễn.
Những “sát thủ” săn mồi có tốc độ nhanh trong thế giới loài chim được các nhà nghiên cứu liệt kê: Đứng đầu là chim cắt lớn với tốc độ lao tối đa khoảng 389 km/h. Tiếp đến là đại bàng vàng có tốc độ khoảng 321 km/h. Chim cắt Bắc Cực khoảng 209 km/h. Đứng thứ tư phải kể đến yến đuôi nhọn họng trắng có tốc độ khoảng 169 km/h. Với chim cắt Trung Quốc có thể đạt tới 161 km/h. Ngoài ra, chim cốc biển, ngỗng Spur Winged, vịt cát ngực đỏ Bắc Cực, hải âu đầu xám, vịt lặn vai buồm... cũng đạt tốc độ từ 117 đến khoảng 153 km/h.
Anh Luận mang theo chú chim đến đây với tinh thần cổ vũ bóng đá cho đội tuyển Việt Nam. Dưới đôi chân con chim ấy gắn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xinh xinh.
“Tôi muốn thể hiện khát vọng của người hâm mộ dành cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam mong các tuyển thủ thể hiện được sức mạnh dẻo dai và ý chí kiên cường như chú chim đại bàng”, anh Nguyễn Ngọc Luận bắt đầu câu chuyện.
Nhiều người tò mò lạ lẫm dán mắt vào chú chim đang đậu trên tay bất ngờ đập cánh bay vút, nhào lộn trên không trung rồi lao thẳng xuống đậu lại cánh tay chủ nhân. Ai chứng kiến cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Cuối tháng 11/2024, tôi mới có dịp gặp lại anh Luận tại Đông Anh (Hà Nội) để hỏi sâu hơn về thú chơi chim săn mồi và biểu diễn.
Anh Luận cho biết, năm 2015, trong một lần bắt gặp một người bẫy chim, thấy có chú chim ưng nhỏ mắc lưới, anh ngỏ ý xin đem về nuôi. Anh hài hước bảo cái “duyên” huấn luyện chim của anh đã bắt đầu từ đó.
“Chú chim đại bàng bạn gặp ở sân vận động trước đây tôi đã thả nó về với thiên nhiên. Đây là chú chim diều hâu đen được bốn tuổi. Nó nhanh nhẹn và thông minh, khoảng 6 tháng tuổi đã có khả năng biểu diễn và săn mồi. Năm 2020, nó đoạt giải Nhất do Hội chơi chim bình chọn. Sắp tới, nếu có giải bóng đá lớn diễn ra, tôi sẽ mang chú chim này đến cổ vũ”, anh Luận khoe.
Chú chim diều hâu đen này của một người dân ở tỉnh Quảng Ninh bắt được và đem tặng vì biết anh Luận là người đam mê huấn luyện chim. Theo anh Luận, vùng đảo, núi đá sát biển Hải Phòng, Quảng Ninh… thường là nơi được loài chim này chọn sinh sống và sinh sản.
Anh Luận chia sẻ, nghề huấn luyện chim biểu diễn hay săn mồi rất công phu, tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ mới thành công được. Người chủ phải nắm rõ các đặc điểm, đặc tính cơ bản của từng loại chim để biết tính cách của nó mà huấn luyện.
Thức ăn của chim diều hâu đen là các loại cá, thịt động vật... loài chim này có hệ tiêu hóa rất tốt. Nếu ở vào chế độ tập luyện, người huấn luyện chim chỉ cho ăn một lượng thức ăn vừa phải, thích hợp để cân bằng trọng lượng của cơ thể chim cho phù hợp.
Anh Luận thả chiếc dây buộc nắm ở tay, chú chim diều hâu đen cất cánh lượn nhiều vòng quanh khu vực chủ nhân đang đứng. Bằng vài thao tác, anh Luận lấy chiếc còi sắt thổi vài hơi, tay lắc lắc vài nhịp điệu, âm thanh từ những chiếc chuông nhỏ đeo trên cổ tay phát ra leng keng. Nhận được tín hiệu, ngay lập tức chú chim sải đôi cánh lao vun vút về đậu trên cánh tay anh Luận.
Theo anh Luận giới thiệu, trong group Facebook có tên gọi “Kỹ thuật huấn luyện chim săn mồi” có hàng nghìn người cùng sở thích tham gia. Các thành viên trong nhóm này nuôi và huấn luyện các loài chim ở nhiều vùng miền, khu vực trên Trái đất như: Chim ưng Ấn Độ, chim ưng xám, chim ưng nhỏ, chim ưng ngỗng… Trong giới chơi chim thích nhất là chim ưng ngỗng.
Anh Luận lý giải, sở dĩ nhiều người thích loài chim này vì chim ưng ngỗng có chỉ số thông minh cao hơn một số loài chim săn mồi khác, tốc độ bay của chim ưng ngỗng được đánh giá nhanh chỉ sau mỗi loài chim cắt lớn.
Trong nhiều loài chim săn mồi và biểu diễn, hầu như loài nào anh Luận cũng đã kinh qua, nhưng “kết” nhất vẫn là chú chim diều hâu đen bởi anh thích nhất là khi nó sải cánh, uốn lượn trên bầu trời và khả năng “nhớ bài, thuộc bài”.
Để giảm bớt chi phí thức ăn cho chim, anh Luận đã mua hàng chục chiếc bẫy chuột phát cho hàng xóm. Chuột sẽ là nguồn thức ăn của chim diều hâu, tiêu diệt chuột nhằm hạn chế chúng phá hoại mùa màng, lây lan dịch bệnh. Vì đam mê và chơi chim lành mạnh nên anh Luận không gặp phải sự phản ứng nào của vợ con và gia đình.
![Chim săn mồi diều hâu đen của anh Luận từng đoạt giải Nhất do Hội Huấn luyện kỹ thuật chim săn mồi bình chọn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51484908/f780480b7b45921bcb54.jpg)
Chim săn mồi diều hâu đen của anh Luận từng đoạt giải Nhất do Hội Huấn luyện kỹ thuật chim săn mồi bình chọn.
![Anh Luận trong một buổi huấn luyện chim săn mồi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51484908/c401788a4bc4a29afbd5.jpg)
Anh Luận trong một buổi huấn luyện chim săn mồi.
“Sát thủ” trên không
Giữa trưa, trời nắng dịu, anh Nguyễn Ngọc Luận gọi thêm một số người trong hội “Kỹ thuật huấn luyện chim săn mồi” ở Đông Anh đến bãi đất trống dưới chân cầu Nhật Tân để cho chúng tôi chứng kiến kỹ năng huấn luyện cũng như khả năng săn mồi của những chú chim.
Dụng cụ cần thiết mà những người huấn luyện chim đều bắt buộc phải mang theo gồm: Găng tay bằng da 3 lớp, còi, dây buộc chân, thiết bị định vị... và thức ăn.
Theo anh Cường, một người huấn luyện chim cho biết, các đồ dùng cần thiết như bao tay bằng da nhằm mục đích bảo vệ tay mỗi khi chim bay, đậu để tránh không bị thương tích. Bộ dây dù buộc chân để giữ chúng trong tầm kiểm soát trước khi thả chúng bay ra.
Một chiếc còi bằng sắt, một túi đeo quanh người gồm nhiều ngăn nhỏ đựng thức ăn, nước uống và có luôn cả thiết bị định vị gắn lên lưng chim để dễ dàng cho việc tìm kiếm khi chim bay xa. Giá của mỗi dụng cụ kể trên từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Anh Luận nói thêm, người huấn luyện chim săn mồi đòi hỏi phải có kiến thức về loài chim để từ đó tránh được các nguy hiểm cho chính chủ nhân, biết cách nuôi nhốt, phòng chữa bệnh cho chúng. Việc huấn luyện một con chim biết săn mồi theo sự điều khiển của chủ phải trải qua quá trình dài, phụ thuộc nhiều yếu tố.
![Chim ưng ngỗng có kỹ năng và tốc độ săn mồi diễn ra chỉ trong nháy mắt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51484908/246ce5e7d6a93ff766b8.jpg)
Chim ưng ngỗng có kỹ năng và tốc độ săn mồi diễn ra chỉ trong nháy mắt.
![Anh Nguyễn Ngọc Luận trong một lần mang chim đến cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_181_51484908/b8327fb94cf7a5a9fce6.jpg)
Anh Nguyễn Ngọc Luận trong một lần mang chim đến cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Mang theo chú chim săn mồi có tên gọi là chim ưng ngỗng cùng một chú chim cuốc làm mồi (chim cuốc nuôi ở nhà mang đi), sau khi chuẩn bị đủ các dụng cụ, anh Cường bắt đầu thao tác huấn luyện chim.
Chú chim mồi được đặt cách đó khoảng 100 mét, tuýt… tuýt, tiếng còi vang lên, chú chim săn sẵn sàng đón nhận mệnh lệnh nhanh chóng rời tay chủ lao vun vút như tên bắn về phía con mồi. Trong nháy mắt, chú chim cuốc bị cặp móng vuốt chân chim ưng quặp từ trên không hạ xuống đất.
Với những kiến thức tìm hiểu được trong gần 10 năm huấn luyện, anh Luận cho biết, chim ưng ngỗng là loài chim săn mồi cánh ngắn thường sống trong rừng. Loài chim này có thể đạt chiều dài khoảng 60 cm và sải cánh khoảng 1,3 mét. Loài này chuyên săn các con mồi như gà lôi, sóc, chim bồ câu, thỏ hoang, thậm chí cả cáo.
Ưng ngỗng thường được nuôi để hỗ trợ đi săn. Loài này chủ yếu phân bố rộng rãi ở Bắc bán cầu và di cư về phương Nam vào mùa Đông. Trong số loài chim săn mồi trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi nhất của các con mồi phải kể đến chim cắt lớn.
“Loài cắt lớn sở hữu tốc độ liệng cánh từ trên xuống khoảng 389 km/giờ. Chim cắt lớn được mệnh danh là loài chim nhanh nhất hành tinh. Xem cách loài chim này ra đòn chớp nhoáng trên không, nó được ví như những “chiến đấu cơ không người lái””, anh Luận nhận xét.
Chim cắt lớn có mặt hầu như mọi nơi khắp trên thế giới, thậm chí là cả những lãnh nguyên Bắc Cực, trong đó tập trung đông đảo nhất ở Bắc Mỹ. Chim cắt lớn có chiều dài cơ thể khi trưởng khoảng 34 - 58 cm, với sải cánh từ 74 - 120 cm. Cắt lớn đực có cân nặng tối đa khoảng 750 gam, trong khi đó chim cái thường lớn hơn con đực về kích thước.
Chim cắt lớn sở hữu đến 3 mi mắt, trong đó, 2 mi mắt để đóng mở mắt và mi mắt cuối cùng chỉ chuyên làm nhiệm vụ chớp mắt, để giữ cho mắt đủ ẩm, chống bụi bẩn. Điều đặc biệt là mi mắt thứ 3 này có khả năng nhìn xuyên thấu, do đó, chim cắt hoàn toàn có thể quan sát trong khi mi mắt này đóng lại.
Khả năng săn mồi của chim cắt lớn được thể hiện khi mục tiêu là con mồi đang bay trên không. Với cú lao cực nhanh, chính xác của chim cắt lớn khiến con mồi phải nhận một “đòn chí mạng” khiến tỷ lệ hạ gục con mồi gần như tuyệt đối.
Trường hợp con mồi còn sống sót, chim cắt lớn sẽ sử dụng “răng kết liễu”, đây thực chất là phần ngạnh trên mỏ, để cắn xuyên qua cổ con mồi.
Được đánh giá là nguy hiểm và lợi hại nhất trong loài chim săn mồi nhưng chim cắt lớn là loài chung thủy. Chúng thường làm tổ trong hốc hay ở vách đá. Chim trống khi kết bạn với chim mái sẽ sống với nhau đến trọn đời.
Thú chơi chim săn mồi, chim biểu diễn ở Việt Nam mới xuất hiện những năm gần đây. Các hội, nhóm “Kỹ thuật huấn luyện chim săn mồi” được phát triển theo dạng tự phát. Do đó, những người nuôi và huấn luyện chim săn mồi cần am hiểu pháp luật, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người chung đam mê. Bên cạnh đó cần có sự quản lý phù hợp của cơ quan chức năng để bảo vệ những loài chim quý hiếm trong tự nhiên.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cong-phu-nghe-huan-luyen-chim-san-moi-post719485.html