Công Phượng - Tuấn Anh, hai số phận đối nghịch ở Đội tuyển Việt Nam
Trận đấu gặp Malaysia trên sân Mỹ Đình sẽ là cơ hội để Công Phượng và Tuấn Anh cùng nhau đứng trên sân sau một thời gian dài. Cùng nổi danh từ thời khoác áo U19 Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và U19 Việt Nam, nhưng số phận của họ lại hiếm khi nào đồng điệu.
Ánh sáng và bóng tối
Sau ngày Công Vinh giải nghệ, Công Phượng là cầu thủ Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất. Dù không phải lúc nào cũng có suất đá chính, Công Phượng luôn là người duy nhất được đối phương nhớ mặt, nhớ tên. Những người còn lại thường chỉ được nhắc đến qua số áo. Trong trường hợp của Tuấn Anh, đối phương chỉ biết anh là "cầu thủ số 8".
Cùng là đồng đội, song Công Phượng lại luôn chiếm vị trí trung tâm chú ý ở mọi trận đấu. Ở chiều ngược lại, Tuấn Anh thường chọn giải pháp nhún mình về sau. Hiếm khi nào anh xuất hiện riêng trong những đoạn quảng cáo giống như Công Phượng. Điểm khác biệt đó giữa hai người bạn xuất phát một phần bởi vị trí, nhiệm vụ của họ trên sân.
Công Phượng là tiền đạo, thường trực săn bàn ở tuyến đầu; còn Tuấn Anh là tiền vệ có thiên hướng đá thấp, tổ chức lối chơi. Ở V.League 2015, khi HAGL khủng hoảng ở vị trí trung vệ, HLV Graechen thậm chí còn thường xuyên xếp Tuấn Anh chơi ở hàng phòng ngự. Năm đó HAGL thủng đến 50 bàn ở V.League, nhưng không thể trách cứ Tuấn Anh vì anh phải đá trái sở trường.
Rất khó đánh giá trình độ của Tuấn Anh nếu không phải dân trong nghề. Những điểm mạnh của anh như di chuyển không bóng, nhãn quan chiến thuật, khả năng bao quát, đọc trận đấu... thường khá khó hình dung với người ngoại đạo. Còn với Công Phượng, việc đó đơn giản hơn nhiều nếu đánh giá ở số bàn thắng. Công Phượng còn ghi bàn thì anh còn được khen ngợi.
Tuy nhiên, đó chưa phải khác biệt lớn nhất giữa hai cầu thủ. Trong vòng 5 năm qua, anh được chu du khắp nơi để học hỏi, nâng cao trình độ. Hiện tại Công Phượng là 1 trong 2 cầu thủ hiếm hoi của Việt Nam chơi bóng tại châu Âu. Tuấn Anh lại không có diễm phúc đó. Ngoại trừ 1 năm ngồi dự bị ở Yokohama FC, anh chủ yếu phải làm bạn với giường bệnh vì những chấn thương liên miên.
Năm 2017, Tuấn Anh chỉ đá được 8 trận cho HAGL vì chấn thương đầu gối. Đến năm 2018, tình hình còn tệ hơn. Trong trận gặp Hải Phòng ở vòng 2 V.League, Tuấn Anh phải nằm cáng rời sân sau một pha va chạm. Anh chẳng thể đổ lỗi cho ai trong tình huống đó, bởi Tuấn Anh va vào chính đồng đội của mình. Kết quả khám của các bác sĩ khiến tất cả bàng hoàng: Tuấn Anh phải nghỉ thi đấu 1 năm, phẫu thuật gấp nếu không muốn phải giải nghệ sớm.
Trong thời gian Tuấn Anh lủi thủi một mình đợi đầu gối bình phục, Công Phượng lại gặt hái hết thành công này đến chiến tích khác. Chuỗi kỳ tích ở U23 châu Á, ASIAD, AFF Cup và ASIAN Cup của ĐTVN đều có dấu ấn của Công Phượng. Anh liên tục ghi những bàn thắng quan trọng để ghi danh bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Hẳn Tuấn Anh cũng ít nhiều tủi thân khi xem cảnh đó.
Người thụt lùi, người trở lại
Màn trình diễn ấn tượng trong năm 2018 ở cấp CLB lẫn ĐTQG giúp Công Phượng được nhiều CLB nước ngoài để ý tới. Giữa nhiều lựa chọn hấp dẫn, Công Phượng đến Incheon United thử sức. Tuy nhiên, những gì anh phải trải qua trong 4 tháng ở Hàn Quốc rất đáng quên. Công Phượng gần như không được thi đấu và phải đề đạt nguyện vọng chấm dứt hợp đồng sớm. Phía Incheon cũng chẳng mặn mà giữ lại một cầu thủ không có giá trị sử dụng.
Công Phượng về nước sau khi giai đoạn 1 của V.League khép lại, nhưng anh vẫn nuôi ước mơ đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Thay vì ở lại Việt Nam thi đấu đến cuối năm để giữ phong độ, Công Phượng xuất ngoại một lần nữa. Lần này anh đi xa hơn, đến tận Bỉ khoác áo Sint-Truiden. Dù vậy, phần lớn thời gian của Công Phượng tại đây vẫn chủ yếu là ngồi dự bị.
Công Phượng có không ít cơ hội thể hiện mình ở xứ người, nhưng anh chưa bao giờ chứng tỏ được bản thân. Xét về mặt thể chất, Công Phượng thua sút quá nhiều so với các cầu thủ nước ngoài. Bên cạnh đó, khả năng phối hợp với các đồng đội của Công Phượng cũng khá hạn chế. Anh thường lạm dụng kỹ thuật cá nhân để rê dắt, do đó thường xuyên mất điểm trong mắt các HLV xứ người.
Trong lần tập trung ĐT lần này, chính HLV Park Hang-seo cũng lo ngại Công Phượng khó có thể đạt phong độ tốt vì thi đấu quá ít. Một cầu thủ luôn cần thi đấu thường xuyên, nhưng Công Phượng lại gần như không ra sân suốt 1 năm qua. Cộng thêm việc chênh lệch múi giờ và tập trung muộn, Công Phượng khó có khả năng được ra sân trước Malaysia.
Ở chiều ngược lại, Tuấn Anh lại đang cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2019. Từ rất lâu rồi, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới thấy Tuấn Anh tiếp tục ra sân thường xuyên trong màu áo HAGL. Khả năng điều phối bóng, điều tiết nhịp độ trận đấu của Tuấn Anh vẫn còn nguyên. Anh cũng chơi khôn ngoan hơn để tránh những pha va chạm không đáng có.
Tại vòng 17 V.League diễn ra hồi tháng 7, Tuấn Anh đánh dấu ngày trở lại của mình bằng một siêu phẩm. Anh đỡ bóng bằng đùi, rồi vung chân sút thẳng về phía khung thành SLNA. Nhìn bóng bay vào lưới, Tuấn Anh còn không dám tin điều mình mơ ước trở thành sự thật. Sau 4 năm, Tuấn Anh mới có thêm một lần nổ súng ở V.League. Chỉ khác là lần này anh đã cứng cáp, trưởng thành hơn rất nhiều.