Cộng sinh công nghiệp và một số khuyến nghị với Việt Nam

Tiềm năng cộng sinh công nghiệp (CSCN) tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Việt Nam là lớn và đa dạng ở các loại hình cộng sinh khác nhau như cộng sinh phụ phẩm và chất thải mà còn có nhiều tiềm năng về các loại hình cộng sinh khác.

 Việt Nam có tiềm năng lớn trong cộng sinh công nghiệp. Ảnh minh họa

Việt Nam có tiềm năng lớn trong cộng sinh công nghiệp. Ảnh minh họa

Tiềm năng lớn

Tiềm năng CSCN tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam là lớn và đa dạng ở các loại hình công sinh khác nhau như cộng sinh phụ phẩm và chất thải mà còn có nhiều tiềm năng về các loại hình cộng sinh khác như: Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng, cộng sinh nguồn cung, cộng sinh dịch vụ và cộng sinh công nghiệp - đô thị vẫn chưa được hiểu rõ, phát hiện và khai thác ở các KCN của Việt Nam.

Nhận thức về các lợi ích mang lại khi thực hiện CSCN đã được nâng lên đối với các doanh nghiệp trong KCN, đặc biệt là các KCN đã thực hiện thí điểm hoặc ở các doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp CSCN trước đó. Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về CSCN, khu công nghiệp sinh thái và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các liên kết CSCN góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cụ thể hóa các tiềm năng CSCN.

Khái quát hóa có thể thấy để thực hiện các tiềm năng CSCN trong KCN trên thực tế cần bảo đảm 5 yếu tố sau:
- Thuận lợi pháp lý (các văn bản pháp quy cho phép
thực hiện)
- Nhận thức của các bên tham gia (chủ doanh nghiệp thứ cấp)
- Niềm tin vào đối tác (chia sẻ thông tin, sẵn sàng đầm phán và hợp tác)
- Công nghệ khả thi và phù hợp
- Nguồn lực tài chính sẵn có

Việc thực hiện CSCN ở các KCN ở Việt Nam hiện nay đang dừng ở mức độ tự phát, nghĩa là các doanh nghiệp tự tìm kiếm cơ hội liên kết và thực hiện các quan hệ CSCN không chính thức, không có công bố và đăng ký với các cơ quan chức năng có liên quan. Phần lớn các cộng sinh này thuộc nhóm Cộng sinh phụ phẩm. Ví dụ: trong cùng KCN, Doanh nghiệp A bản bao bì (bằng bìa carton là vỏ chứa vật liệu) cho doanh nghiệp B là doanh nghiệp tái chế giấy phế thải để làm nguyên liệu sản xuất giấy hoặc bìa carton hoặc doanh nghiệp X chế biến cả ba sa thải bỏ đầu, xương và nội tạng cá và bán toàn bộ cho doanh nghiệp Y chế biến thức ăn chăn nuôi.

Những ví dụ tương tự có thể tìm thấy tương đối phổ biến ở các KCN của Việt Nam. Các hình thức CSCN như vậy phát sinh dựa trên nguyên tắc thị trường và lợi ích thu được rõ ràng nhất là giam chi phí vận chuyển do có lợi thế về khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, do văn hóa "đóng cửa” và sự thiếu thông tin trong kinh doanh nên trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã không tìm được đối tác cộng sinh cho các phụ phẩm của mình. Hơn nữa, CSCN không chỉ dừng lại ở loại hình cộng sinh phụ phẩm và chất thảimà còn có nhiều tiềm năng về các loại hình cộng sinh khác như: Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng, Cộng sinh nguồn cung, Cộng sinh dịch vụ và Cộng sinh công nghiệp - đô thị vẫn chưa được hiểu rõ, phát hiện và khai thác ở các KCN của Việt Nam.

Những thách thức đang cản trở

Vẫn mang tâm lý đề cao lợi nhuận

Khi xây dựng mô hình sinh thái, các doanh nghiệp đều muốn đấy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ quỹ đất dành cho cây xanh sẽ không có đủ.
Phát biểu trong buổi hội thảo về phát triển khu công nghiệp sinh thái diễn ra vào tháng 6/2022, Tiến sĩ Mai Văn Sỹ, Chuyên gia Kinh tế nhận định, các doanh nghiệp ở Việt nam hiện nay vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào thực hiện. Trên thực tế, xây dựng một khu công nghiệp sinh thái sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, nên nếu cứ giữ nguyên tâm lý "ăn chắc" như vậy thì việc thực hiện cơ chế cộng sinh công nghiệp vẫn mãi là một bản thảo mãi không thể đi vào hiện thực.

Chính sách chưa đồng bộ

Trong bối cảnh toàn thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 - Phát thải ròng bằng 0, các doanh nghiệp đều đứng trước áp lực phải hoạt động tiết kiệm chi phí và giảm phát thải theo quy định hay yêu cầu từ đối tác. Tuy nhiên, với hệ thống chính sách chưa đồng bộ và vẫn còn thiếu hụt về cơ chế, quy chuẩn cụ thể, việc việc thúc đẩy mô hình cộng sinh công nghiệp và hình thành khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam vẫn còn bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Lý giải về nguyên nhân của sự chậm trễ này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho biết, chủ trương về mô hình cộng sinh công nghiệp được nhắc tới trong nhiều quy định, văn bản khác nhau nên chính sách vẫn chưa đồng bộ và thống nhất. Trước những tồn tại này, ông Nguyện đã đưa ra kiến nghị về một chính sách cụ thể, đồng bộ và linh hoạt hơn nữa. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về mô hình cộng sinh công nghiệp. Song song với đó, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu và chọn lọc hình thức cộng sinh phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm tái chế. Về phía các cơ sở sản xuất lớn cũng cần tự giác xây dựng lộ trình thay đổi công nghệ nhằm giảm phát thải.

Thiếu ưu đãi chính cho doanh nghiệp

Việt Nam hiện nay vẫn thiếu ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp trong thực hiện cộng sinh công nghiệp. Chính điều này đã trở thành rào cản ngăn doanh nghiệp tham gia vào một cộng đồng kinh tế tuần hoàn. Theo Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chuyên gia hóa chất và môi trường, các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhận được những ưu đãi cụ thể về thuế, mặt bằng, tín dụng... để khuyến khích cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo còn tồn tại nhiều phức tạp và thiếu chính sách hỗ trợ. Phân tích rõ hơn về kinh tế tuần hoàn, ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã chia cấu trúc ra thành 3 phần: ứng dụng vật liệu hữu ích; kéo dài vòng đời sản phẩm và sử dụng, sản xuất sản phẩm thông minh hơn. Các cấp độ của kinh tế tuần hoàn bao gồm: cấp vĩ mô từ quốc gia, đô thị, vùng, địa phương; cấp trung gian ở góc độ cộng sinh công nghiệp; cấp vi mô ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cấp sản phẩm ở mức độ tuần hoàn, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm. Mô hình kinh tế tuần hoàn mang tính khuyến khích nhưng không áp dụng hành chính hóa. Theo ông Toản, mức ưu đãi cụ thể của chính sách kinh tế tuần hoàn còn phụ thuộc vào cân đối ngân sách của Nhà nước. Chỉ cần tiếp cận theo đúng bản chất khoa học, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn, mô hình cộng sinh công nghiệp mà không đòi hỏi phải thực hiện quá hoàn hảo.

 Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) là một trong những khu công nghiệp ứng dụng cộng sinh công nghiệp.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) là một trong những khu công nghiệp ứng dụng cộng sinh công nghiệp.

Nguồn lực đầu tư về công nghệ và chuyên gia có hạn

Để phát triển được nền kinh tế tuần hoàn, công nghệ sản xuất phải cao và hiện đại mới tận dụng được tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có đủ nguồn lực kinh tế để quay vòng đầu tư vào sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển khu công nghiệp theo chiều rộng trong thời điểm hiện tại đang gặp nhiều hạn chế về nguồn lực đất đai, lao động và tài nguyên. Điều khó hài hòa nhất là cản cân giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mặc dù cộng sinh công nghiệp đã và đang được thực hiện ở Việt Nam nhưng trước những rào cản, việc nhân bản mô hình này vẫn chưa thể thực hiện được. Chúng ta cần nhanh chóng tiến hành gỡ rối các vướng mắc, vượt qua thách thức để phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp hơn nữa trong tương lai gần.
Bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, viện đang phối hợp với các tỉnh, thành để tổng hợp gửi ban soạn thảo pháp luật. Cụ thể, các đánh giá thực tiễn, phân tích tồn tại, hạn chế... sẽ được viện và tỉnh, thành cùng thông qua.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Thông qua kinh nghiệm chuyển đổi KCN sang KCNST của một số nước trên thế giới có thể rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm nâng hiệu quả và tăng tốc quá trình chuyển đổi tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng môi trường pháp lý và khuyến khích phát triển hình thức KCNST. Khung thể chế chính sách được hình thành và nhà nước có thông điệp rõ ràng cho các doanh nghiệp, KCN về tiềm năng và lợi ích của việc tham gia vào quá trình chuyển đối, xây dựng mới KCNST sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, KCNST tích cực tham gia chương trình KCNST. Các ngành công nghiệp nhìn nhận lợi ích của việc tham gia vào các chương trình, thông qua quá trình thực hiện, ưu tiên từ Chính phủ và khả năng tiếp cận tài chính và chuyên môn kỹ thuật trong suốt quá trình tham gia, qua đó giúp cải thiện vấn đề năng lượng và thực hiện phát thải.
Thứ hai, cần xác định rõ bản chất KCNST là "quá trình cải thiện chứ không phải là một danh hiệu nhắm tới" do đó việc phát triển KCNST tại Việt Nam cần dựa trên một chương trình chuyển đối với tầm nhìn dài hạn và có bước đi cụ thể, trong đó ưu tiên các KCN có đủ điều kiện và sẵn sàng chuyển đang mô hình KCNST. Để triển khai có kết quả thì hệ thống tổ chức được thành lập nhằm thu thập thông tin, dữ liệu, tổng hợp và chuyển hóa các tri thức vận hành công nghiệp thành cơ hội cụ thể hợp tác sản xuất, tái chế, tái sử dụng phế liệu, chất thải, nâng cao hiệu suất năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến địa phương, vùng.
Thứ ba, sự tham gia của các doanh nghiệp theo cả hai cách tiếp cận từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.

Việc xác định các cơ hội kết nối mở rộng quan hệ theo cả chiều sâu và chiều rộng đã hỗ trợ cho công tác sàng lọc và lựa chọn các cơ hội hợp tác chung tiềm năng để tiến hành đánh giá khả thi và thương mại hóa. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp theo cả hai chiều quan hệ.

Thứ tư, hỗ trợ của Chính phủ trong thực hiện đánh giá khả thi và lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp tham gia nhận được giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí và/hoặc dẫn đến tạo nguồn doanh thu mới từ sản phẩm phụ hay trao đổi sản phẩm tái chế từ rác thải, từ đó tạo động lực tham gia chương trình KCNST. Ngoài ra, sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước cho việc nghiên cứu, phổ biến và ứng các công nghệ đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường đã tạo cơ hội nhiều hơn trong hợp tác CSCN và thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Thứ năm, cần xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng năng lượng, nước, các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại và có báo cáo hàng năm và thực hiện công bố rộng rãi báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng để các bên liên quan giám sát.

Thứ sáu, cần thành lập và xác định rõ ngay từ đầu một cơ quan chủ trì quản lý KCNST có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai KCNST đảm bảo việc triển khai được thông suốt, không chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ.

Cát Ân - Lan Nhi

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cong-sinh-cong-nghiep-va-mot-so-khuyen-nghi-voi-viet-nam-93845.html