Công suất đạt 7.000 m3 ngày/đêm, Nhà máy Nước Nghi Xuân vẫn khó mở rộng mạng lưới khách hàng

Công suất thiết kế tại Nhà máy Nước Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là 7.000 m3 ngày/đêm nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn chưa đạt một nửa. Việc mở rộng mạng lưới khách hàng ở Nghi Xuân gặp không ít khó khăn.

Công nhân Chi nhánh Cấp nước Nghi Xuân vận hành hệ thống cấp nước...

Năm 2011, Nhà máy Nước Nghi Xuân hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, công suất 7.000 m3 ngày/đêm. Nhiều người tin rằng, kể từ nay, người dân Nghi Xuân sẽ không còn phải sử dụng các loại nước giếng, nước mưa. Tuy nhiên, trái ngược với nhận định đó, đến thời điểm này, toàn huyện Nghi Xuân mới chỉ có 6 xã, thị trấn được sử dụng nước sạch (Xuân Thành, Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Hải, thị trấn Xuân An và thị trấn Tiên Điền) với sản lượng tiêu thụ trên 3.000 m3, gần bằng 43% so với thiết kế.

Đến thời điểm này, số lượng khách hàng của nhà máy là 4.345 hộ. Điều đáng nói là, trong số đó, hàng trăm hộ chỉ mới được sử dụng nước sạch sau nhiều năm chờ đợi.

...thường xuyên xem xét, kiểm tra hệ thống điều khiển tự động.

Sau gần 10 năm kể từ ngày Nhà máy Nước Nghi Xuân (thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ) đi vào hoạt động, mùa hè năm nay, 134 hộ dân còn lại trong tổng số 360 hộ ở thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ mới được sử dụng nước máy.

“Mặc dù nhà máy đứng chân trên địa bàn xã nhưng những năm trước, vào mùa hè, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, nước mưa nên không đảm bảo vệ sinh. Mãi đến nay, nỗi lo thiếu nước sạch mới được hóa giải” - chị Hồ Thị Hằng (thôn Thuận Mỹ) cho biết.

Cùng chung tâm trạng này, ông Ngô Đăng Ký (tổ dân phố 4, thị trấn Xuân An) - hộ dân được đấu nối đường ống nước đợt này cho rằng, dù là địa phương đầu tiên được sử dụng nước sạch khi nhà máy nước đi vào hoạt động nhưng do hệ thống chính ở xa nên sau gần một thập niên chờ đợi, gia đình chúng tôi mới có nước máy để dùng".

Đến thời điểm này, sản lượng tiêu thụ của Nhà máy Nước Nghi Xuân đạt trên 3.000 m3, gần bằng 43% so với thiết kế.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước sạch đã có mà người dân chưa được sử dụng nhưng chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư lắp đặt hệ thống ống dẫn chính (ống cấp 2) đến các xã, thị trấn.

Theo ông Lê Quốc Trang - Phó Giám đốc Chi nhánh cấp nước Nghi Xuân: Việc lắp đặt thêm hệ thống đường ống cấp 2 để đấu mở rộng mạng lưới khách hàng dùng nước sạch ở Nghi Xuân gặp rất nhiều khó khăn bởi từ nhà máy nước đến các địa phương như Xuân Lam, Xuân Hồng, Cương Gián, Xuân Liên có khoảng cách khá xa, trong khi đó, chi phí lắp đặt hệ thống nước tốn rất nhiều kinh phí.

“Chỉ tính đường ống xen dắm cấp nước tại khu vực dân cư nối liền trong thôn Thuận Mỹ đã “ngốn” nguồn kinh phí lên đến hơn 1,5 tỷ đồng. Muốn hệ thống đường ống cấp 2 “phủ sóng" toàn huyện Nghi Xuân, chủ đầu tư là Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng” - ông Lê Quốc Trang cho biết thêm.

Công suất lớn nên Nhà máy Nước Nghi Xuân có thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn toàn huyện.

Vốn đầu tư quá lớn, trong khi đó, theo Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh Võ Ngọc Vinh: Hiện, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2014 đến 2017, công ty lỗ liên tục. Từ tháng 8/2017, giá nước tăng nên công ty bắt đầu có lãi nhưng không nhiều nên việc đầu tư luôn phải cân nhắc.

"Việc đầu tư mở rộng mạng lưới khách hàng dùng nước doanh nghiệp phải cân nhắc xem xét kỹ đến yếu tố lợi nhuận. Bởi, dù rất "khát" nước sạch nhưng nhu cầu người dân lại sử dụng quá ít. Thậm chí, có hộ chỉ sử dụng 1-2 m3 nên đầu tư xen dắm cũng khó, chưa nói đến lắp đặt hệ thống đường ống mới. Vì vậy, nếu không có các nguồn xã hội hóa của các xã, thị trấn, chưa biết đến bao giờ nước sạch mới đến được những khu vực vùng xa huyện Nghi Xuân" - Võ Ngọc Vinh nói thêm.

Hoài Nam

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/cong-nghiep/cong-suat-dat-7-000-m-3-ngay-dem-nha-may-nuoc-nghi-xuan-van-kho-mo-rong-mang-luoi-khach-hang/196627.htm