Công tác bảo hiểm xã hội cấp cơ sở: Bám sát địa bàn để bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Vượt mọi khó khăn, nhiều cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội cấp cơ sở đã bám sát địa bàn, cần mẫn tiếp cận, tạo dựng niềm tin, sự tin cậy với từng cá nhân, hộ gia đình. Từ đó, lan tỏa thông tin, tuyên truyền, tư vấn hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Câu chuyện ở quận Tây Hồ là ví dụ cho việc này.

Chị Nguyễn Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) tư vấn về bảo hiểm xã hội cho người dân trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ). Ảnh: Thu minh

Chị Nguyễn Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) tư vấn về bảo hiểm xã hội cho người dân trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ). Ảnh: Thu minh

Nghỉ làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Thu Trang (sinh 1986, hiện ở ngõ 38 đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) quyết định đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại phường Xuân La từ tháng 7-2024.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ: “Tôi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cuối năm 2006. Sau khi nghỉ làm để tham gia hoạt động đầu tư cá nhân, tôi được mời tham gia hội nghị tuyên truyền, tư vấn phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngay tại nhà văn hóa tổ dân phố để nắm bắt thông tin. Tôi cũng được chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Xuân La, hiện đảm trách công tác đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của phường tư vấn chi tiết, đầy đủ, cụ thể về mức đóng, thời gian đóng, quyền lợi. Tôi thấy rất thuận tiện”.

Cùng với việc tổ chức truyền thông tại nhà văn hóa tổ dân phố, chị Nguyễn Thị Hằng thường xuyên cùng chuyên viên bảo hiểm xã hội quận, chuyên viên Phòng Kinh doanh Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm, phối hợp với cán bộ ở tổ dân phố rà soát địa bàn dân cư, bố trí thời gian phù hợp đến tư vấn tại từng hộ gia đình tại phường Xuân La.

Chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức truyền thông tại hầu hết các tổ dân phố có nhiều hộ kinh doanh tự do, lao động phi chính thức. Thực tế cho thấy, sau mỗi buổi truyền thông lồng ghép các buổi sinh hoạt tổ dân phố, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều tăng rõ rệt. Tháng 6-2024, tăng 420 người. Tháng 7, có thêm 25 trường hợp. Tháng 8, có 43 người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn đăng ký”.

Thường xuyên phối hợp với đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các phường trên địa bàn quận Tây Hồ, chị Đỗ Thị Thanh, chuyên viên bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ cho biết: “Mô hình phối hợp chặt chẽ giữa bảo hiểm xã hội quận, bưu điện, đại lý thu của phường, lồng ghép truyền thông chính sách trong sinh hoạt tổ dân cư, đến từng hộ dân kinh doanh tự do để tuyên truyền ở phường Xuân La thực sự hiệu quả. Mô hình này đã được triển khai, phát huy hiệu quả trên địa bàn nhiều phường trong quận, bao gồm phường Bưởi, các phường Tứ Liên, Phú Thượng…”.

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Bình, trong công tác truyền thông tới từng tổ dân phố, tùy đặc điểm từng địa bàn, cán bộ truyền thông sẽ xác định thời gian tuyên truyền phù hợp. Đơn cử, với khu vực chợ Xuân La, chợ Nhật Tân, sẽ ưu tiên tuyên truyền theo từng nhóm nhỏ, vào ban ngày. Nhưng với các phường Tứ Liên, Phú Thượng, việc tuyên truyền, tư vấn thường được bố trí vào buổi tối. Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực, nhiệt tình của cán bộ cơ sở, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của quận Tây Hồ sau 8 tháng của năm 2024 là 2.131 người, tăng 253 người so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, số người tăng mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 559 người.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Bình cũng cho biết, bài học kinh nghiệm về việc tiếp tục phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp người dân hiểu được quyền lợi khi tham gia vẫn là cán bộ cơ sở phải nắm bắt đầy đủ chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời có kỹ năng tuyên truyền, lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân, tiếp thu ý kiến và ân cần giải thích những vướng mắc. Đặc biệt, phải chú trọng tạo dựng niềm tin với người dân về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Nhà nước thông qua công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là bí thư các chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và người có uy tín trong khu dân cư. Trong nhiều trường hợp, cán bộ cơ sở cần sự kiên trì tiếp cận và tuyên truyền, bởi khi người dân thật sự hiểu, chính là lúc người dân sẵn sàng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cong-tac-bao-hiem-xa-hoi-cap-co-so-bam-sat-dia-ban-de-bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-677256.html