Miền Tây sau một thập niên đi theo lúa ba vụ (kỳ 2): Băn khoăn chuyện 'bỏ lúa' tìm hướng mới
Trong khi nông dân vùng đê bao lúa ba vụ phải chật vật để 'thoát khỏi' cây lúa, thì vài mô hình sống thuận thiên, 'nương theo' nước lũ ở cánh đồng hai vụ không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, mà đất đai còn được rửa độc, bổ sung dinh dưỡng…
(KTSG Online) – Trong khi nông dân vùng đê bao lúa ba vụ phải chật vật để “thoát khỏi” cây lúa, thì vài mô hình sống thuận thiên, “nương theo” nước lũ ở cánh đồng hai vụ không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, mà đất đai còn được rửa độc, bổ sung dinh dưỡng…
Ngày nay, hoạt động sản xuất lúa rất “khỏe”, bởi từ khâu gieo sạ, bón phân đến thu hoạch đã được cơ giới hóa gần như 100%. Tuy nhiên, hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa không như kỳ vọng nên nông dân đang tìm cách “thoát khỏi” loại cây trồng này để tìm một hướng mới…
Tìm cách “thoát khỏi” cây lúa
Trong khi không ít nông dẫn vẫn “loay hoay” bám trụ cây lúa vì không biết làm gì hơn, ông Lê Hoàng Em, ngụ ấp Long An B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã quyết định lên liếp chuyển đổi 2 héc ta đất lúa ba vụ sang cây màu với kỳ vọng tiền lãi sẽ cao hơn lúa.
Cánh đồng lúa ba vụ ở xã Phú Thọ được chuyển đổi từ đất lúa hai vụ vào khoảng năm 2014 khi đê bao ngăn lũ được hình thành. Thế nhưng, cũng như những nơi khác, vài năm trở lại đây, sản xuất lúa ở vùng này không còn thuận lợi khi dịch bệnh gia tăng, nhất là vấn nạn chuột phá lúa. Do đó, ông Hoàng Em đã “tiên phong” chuyển lúa sang trồng màu.
Sau hai vụ (đông xuân và hè thu) gắn bó với cây ớt, nhưng không hiệu quả vì “tiền bán chỉ đủ chi phí đầu tư”, lỗ công chăm sóc nên vụ thu đông 2024 này, ông Hoàng Em đổi hướng sang trồng bắp vì có người quen tiêu thụ.
Kết quả “xổ số” vẫn phải chờ ngày thu hoạch, nhưng ruộng bắp khoảng 30 ngày tuổi của ông Hoàng Em hiện gặp nhiều bất lợi khi đã bốn lần phun thuốc sâu. “Giờ làm nông khó khăn, cộng thêm giá cả thị trường bấp bênh, có giá thì thôi, còn không là thương lái bỏ cù bơ cù bất’”, ông nói.
Người nông dân ở xã Phú Thọ này cũng đã nghĩ đến chuyện trồng cây ăn trái sau khi bỏ lúa như một số nông dân có điều kiện đang làm. Thế nhưng, ý định đó đành gác lại vì chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn lực tài chính gia đình vài năm qua đã bị “bào mòn” vì mỗi héc ta thu về chỉ được vài tấn lúa (thua lỗ). “Mình không có vốn nhiều, trồng cây lâu năm sống không nổi”, ông nói.
Trong khi đó, trường hợp của ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An sau nhiều lần “lưỡng lự”, đấu tranh tư tưởng giữa tiếp tục gắn bó với lúa ba vụ hay chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm, thì cách đây ba năm ông đã… “bỏ lúa”.
Năm 2021, từ nguồn vốn đã dành dụm, ông lên liếp trồng 1 héc ta mít Thái siêu sớm, kết quả vụ thu hoạch đầu tiên, khi đã trừ chi phí đầu tư ban đầu (tiền lên liếp, cây giống, điện, hệ thống tưới…), ruộng mít của ông đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, cao gấp đôi lợi nhuận ba vụ lúa cộng lại.
“Vụ thứ hai nếu duy trì được như vụ đầu tiên, chắc chắn lợi nhuận sẽ gấp chục lần cây lúa vì mình không phải khấu trừ chi phí đầu tư ban đầu nữa”, ông Hùng giải thích.
Tương lai lựa chọn của ông Hùng chưa biết bền vững ra sao, nhưng sức “hấp dẫn” kinh tế từ mít Thái siêu sớm hay như với cây sầu riêng đang dần khiến nhiều cánh đồng lúa ba vụ ở ĐBSCL đã trở nên “da beo” nhiều hơn.
TS Lê Văn Bảnh, Nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là điều tất yếu phải xảy ra khi cây lúa không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế như mong đợi…
“Nương theo”… tự nhiên!
Trong khi nông dân ở vùng lúa ba vụ có người vẫn bám trụ với cây lúa vì chưa tìm được hướng đi mới, có người chuyển sang trồng màu hoặc cây ăn trái, thì nông dân vùng lúa hai vụ đã chọn cách thức kiếm thêm thu nhập từ việc “nương theo tự nhiên”.
Ngồi phía trước căn nhà khang trang bên dòng kênh Kháng Chiến (người dân địa phương thường gọi là kênh kinh tế mới), ông Nguyễn Thiện Thuật, Phó Giám đốc hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến, ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nói: “Là nông dân, trước đây mạnh ai nấy làm, mùa lũ ruộng bỏ không hoặc chỉ đánh bắt cá tự nhiên thôi”.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đồng ruộng bị đê bao khắp nơi, cá tôm ngày một cạn kiệt, kinh tế người dân càng khó khăn. Do đó, từ mùa lũ năm 2021, ông Thuật cùng một số nông dân xung quanh ngồi lại, bàn nhau góp vốn “nhử” cá thiên nhiên từ sông lên ruộng mùa lũ.
Với số tiền hơn 10 triệu triệu đồng góp được, ông Thuật mua lưới bao quanh khu đất rộng vài héc ta, trong đó, những vị trí tiếp giáp phía sông được “thiết kế” cho cá từ sông lên ruộng. “Làm thử, nhưng lại có thu nhập kinh tế”, ông nói.
Từ mô hình tự phát ban đầu, theo ông Thuật, một dịp tình cờ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghé, thấy nông dân chịu khó làm ăn nên “động viên” thành lập một nhóm cộng đồng với 7 thành viên để tiếp tục phát triển mô hình “nhử” cá lên ruộng mùa lũ.
Đến năm 2022, tổ hợp tác quản lý cộng đồng ra đời và mô hình được nhân rộng lên 20 héc ta. Vụ thu hoạch năm 2022 đạt gần 200 triệu đồng, bỏ chi phí còn lời hơn 100 triệu đồng, chia ra mỗi người được một số tiền không thua lợi nhuận từ sản xuất lúa vụ thu đông.
Theo ông Thuật, tháng 7-2023, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến được thành lập với quy mô trên 20 thành viên. Mô hình “nhử” cá mùa lũ năm 2024 mở rộng thêm 150 héc ta, nâng diện tích cả mới lẫn cũ lên 170 héc ta. “UBND huyện Tam Nông đã lên kế hoạch đến năm 2025 mở rộng mô hình lên toàn bộ khu ô bao trên 400 héc ta để dễ quản lý hơn”, ông thông tin.
Ban đầu, nông dân “nhử” cá chỉ để kiếm thêm thu nhập trong mùa lũ, nhưng đây chính là việc làm đã góp giữ ổn định và khôi phục lại môi trường sinh thái. “Khi hội họp, trao đổi kinh nghiệm, thì mình hiểu việc làm này phù hợp với tự nhiên, môi trường khi ruộng lúa được rửa chất độc, bồi đắp phù sa”, ông nói.
Sau khi học tập mô hình của hợp tác xã Quyết Tiến, ông Lâm Quốc Tuấn, khóm 2, phường An Bình B, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và một số nông dân trong khu vực đưa mô hình “nhử” cá thiên nhiên lên ruộng mùa lũ về triển khai ở địa phương để cải thiện kinh tế, giúp ruộng đồng có thêm phù sa nhằm giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu ở vụ tiếp theo.
Không dừng lại ở “nhử” cá thiên nhiên mùa lũ, mỗi vụ lúa sau đó, nông dân hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến đều thả vịt vào ruộng lúa để hạn chế sâu rầy. “Nhờ cách làm này, chúng tôi giảm được phân thuốc, trong khi năng suất, môi trường vẫn tốt”, ông Thuật cho biết và thông tin, nông dân không chỉ có thêm thu nhập từ nuôi vịt, mà sản phẩm lúa có chất lượng cao hơn…
Được biết, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến hiện đang xây dựng điểm học tập kinh nghiệm, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho các thành viên.
Rõ ràng, trong bối cảnh môi trường, chất lượng đất, nước ngày càng suy giảm do gia tăng sản xuất lúa 3 vụ, thì mô hình của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến có thể là gợi ý về một hướng đi cho cộng đồng nông dân vùng lũ ĐBSCL…