Công tác binh vận góp phần làm nên chiến thắng Tàu Ô
BPO - 150 ngày, đêm chiến đấu tại Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng (nay thuộc thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), bên cạnh sự đối đầu giữa lực lượng chủ lực của Sư đoàn 7 với địch, đã có lớp lớp lực lượng vũ trang, du kích địa phương và nhân dân cùng tham gia, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
50 năm trôi qua, có người đã hy sinh, có người may mắn trở về sau cuộc chiến, chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của mảnh đất ác liệt ngày nào. Với họ, 150 ngày, đêm chính là “khoảng lặng” khó quên trong cuộc đời mình.
Ông Nguyễn Việt Hồng, tức Ba Hồng, từng là Chính trị viên phó Huyện đội Chơn Thành giai đoạn 1968-1969, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Long (nay là thị trấn Chơn Thành) giai đoạn 1969-1975. Trong 150 ngày, đêm nơi Chốt chặn Tàu Ô, ông là trưởng mũi công tác lực lượng vũ trang địa phương, nhận nhiệm vụ bám sát địa bàn, luồn sâu vào ấp chiến lược và tổ chức quần chúng nhân dân hành động cách mạng.
150 ngày, đêm của người trong cuộc
Bằng giọng nói khẳng khái, ông Ba Hồng nhớ lại: Sở dĩ Bộ Chỉ huy Miền chọn khu vực Tàu Ô làm chốt chặn bởi thời điểm đó, lính Mỹ rải chất độc hóa học, cây cối bị đốt sạch, địa điểm này như đồng bằng, nếu bố trí không khéo địch có thể đánh trên “tróc” của ta. Nhưng khi qua cống Tàu Ô thì có rất nhiều vùng đầm lầy, ngập nước, mà đây chính là “ưu thế” của khu vực này. Bộ Chỉ huy Miền đã nhìn ra được những điểm lợi đó, bố trí lực lượng chốt chặn tại đây, xe tăng của Mỹ không qua được đầm lầy, chúng ta thì hình thành nhiều phía vây quanh và tấn công, tiêu diệt sinh lực địch.
Chơn Thành lúc đó là vùng trắng, nhân dân bị dồn vào các ấp chiến lược. Tuy không trực tiếp tham gia chốt chặn Tàu Ô nhưng với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã Hưng Long, ông được phân công làm trưởng mũi công tác lực lượng vũ trang xã Hưng Long, nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở; phát triển đảng viên; chỉ đạo các chi bộ bên trong đấu tranh với địch, nắm bắt những bức xúc trong nhân dân và tổ chức nhân dân hành động cách mạng, phá các ấp chiến lược. Đảng bộ thị trấn Chơn Thành thời điểm đó có 5 chi bộ, ngoài 1 chi bộ được hoạt động công khai, có đến 4 chi bộ ở ngay trong địa bàn của địch.
Ông Hồng kể: Để tổ chức họp và truyền đạt các nghị quyết của Đảng đến với 4 chi bộ trong vùng địch kiểm soát là điều rất khó. Chúng tôi bàn với nhau phải họp bằng nhiều hình thức, khi phổ biến chủ trương, nhiệm vụ ở lòng địch triển khai như thế nào, khi đấu tranh bên ngoài thì ra sao… Tất cả đều phải làm gọn gàng, kinh nghiệm kẻo lộ là địch bắt hết... Đặc biệt, ở trong lòng địch, chúng tôi xây dựng được “nội tuyến” - tức người của mình làm việc trong lòng địch để vừa nắm bắt tình hình của địch vừa kết hợp lắng nghe những bức xúc của nhân dân; từ đó khéo léo chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân đấu tranh, trước là đòi quyền lợi, sau là vùng lên phá ấp chiến lược, đánh lính tại chỗ… Chốt chặn Tàu Ô trở thành nơi giao tranh quyết liệt giữa ta và địch. Cùng với Sư đoàn 7, lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân cũng đã đắp chốt, đào hầm, xây “lũy thép” với quyết tâm “chặn đứng không cho một chiếc xe, một tên địch nào vượt qua”, và đã làm nên chiến thắng vang dội.
Quân và dân trong 150 ngày, đêm
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô ghi dấu chiến công oanh liệt của các chiến sĩ Sư đoàn 7 và quân dân Bình Phước. Ông Ba Hồng cho biết, ở Chơn Thành lúc đó, lực lượng vũ trang địa phương có những cách làm rất riêng để góp sức vào cuộc chiến này.
Ông kể: “150 ngày, đêm ở Chốt chặn Tàu Ô, nếu như cán bộ, chiến sĩ sư đoàn trên Đường 13 ngăn và đánh không cho kẻ thù từ các nơi về cứu viện thì bộ đội địa phương tham gia đánh lính bung ra tại chỗ. Các mũi công tác như chúng tôi thì làm tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh với kẻ địch, không cho chúng đôn quân, bắt lính, dù rằng chúng ta đang nằm trong vùng kiểm soát của chúng”. Tuyên truyền trong các vùng địch kiểm soát chính là những kỷ niệm không thể quên đối với ông Hồng và người dân địa phương thời điểm đó.
Tuổi trẻ không hối tiếc
Ông Ba Hồng sinh năm 1939; ba, mẹ là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì vậy, ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Trở về với cuộc sống đời thường, ông mang theo ký ức đẹp của tuổi trẻ và cả những di chứng của chiến tranh để lại. Cuộc trò chuyện với chúng tôi bị ngắt quãng giữa chừng bởi ông thường xuyên bị co giật do ảnh hưởng chất độc da cam. Có mất mát, đau thương nhưng với người lính này, tuổi trẻ được tôi luyện trong chiến tranh là điều ông vô cùng tự hào. “Cuộc đời binh nghiệp là chuỗi ngày “vào sinh, ra tử”, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong giấc mơ hiện tại, đôi khi ký ức về những ngày tháng đó lại ùa về và tôi biết rằng, những tháng ngày đó đã rèn cho tôi và những người lính bản lĩnh vững vàng, lập trường ổn định”.
Những ngày cuối tháng 8-2022, các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được chuẩn bị kỹ lưỡng để ghi dấu và tỏ lòng biết ơn sâu sắc những người lính đã dành một thời thanh xuân, tuổi trẻ chiến đấu hy sinh quên mình cho đất nước. Gặp nhau sau 50 năm, người còn, người mất nhưng kỷ niệm về tháng ngày hào hùng của tuổi trẻ chắc chắn sẽ không bao giờ quên với những người lính từng chiến đấu ở Tàu Ô - Xóm Ruộng, lập nên “bức tường thép” trên Đường 13 năm nào…