Công tác cải cách hành chính năm 2023 kịp thời phát hiện, tháo gỡ các rào cản về thể chế
Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). Theo đó, Bộ Tư pháp đạt 89,95 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2022 - vươn lên vị trí thứ Nhất về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023.
Báo cáo từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã nêu bật những thành tựu của công tác cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, ngành, địa phương thông qua kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023. Từ khi triển khai đến nay, Chỉ số CCHC tiếp tục khẳng định là công cụ quản lý quan trọng, thước đo quan trọng giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng bộ, tỉnh; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng tạo lập nên môi trường pháp lý minh bạch, thích ứng với tình hình thực tiễn; kịp thời phát hiện, tháo gỡ các rào cản về thể chế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành tham mưu ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Gắn việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ CCHC và thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Chú trọng phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - 2025 của Quốc hội. Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL được giao chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, đồng thời khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình, ban hành văn bản, nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Kiểm soát chặt chẽ các quy định về TTHC trong các dự thảo VBQPPL.
Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra VBQPPL, tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực và theo thẩm quyền của từng bộ, ngành; kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát văn bản QPPL thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp thực hiện rà soát văn bản QPPL theo kế hoạch của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm việc thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời, tạo gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật và kiểm tra, rà soát văn bản. Phối hợp Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật" giai đoạn 2025-2030.